(VnMedia) - Một quan chức cấp cao của Nga hôm qua (14/12) đã thẳng thừng tuyên bố không ủng hộ chiến thuật gây sức ép đến mức bóp nghẹt Triều Tiên như hiện nay. Trước đó, ông Putin cũng cảnh báo về những hậu quả thảm khốc nếu Mỹ tấn công Triều Tiên.
Áp lực ngày càng tăng đặt lên Triều Tiên vì chương trình tên lửa và hạt nhân đang leo đến điểm mà ở đó đang có nguy cơ bóp nghẹt đất nước này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga phát biểu đồng thời cảnh báo Nga sẽ không ủng hộ một chiến thuật như vậy.
Bình Nhưỡng đang phải chịu đựng các biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc vì sự thách thức không ngừng nghỉ của họ đối với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cơ quan này đã ra nghị quyết cấm Triều Tiên theo đuổi chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục con đường này. Tuy nhiên, mức độ áp lực đang tiến tới “lằn ranh đỏ” mà ở đó là sự bắt đầu của “tình trạng bóp nghẹt về kinh tế đối với Triều Tiên”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết.
“Nga sẽ không tham gia vào một chiến dịch như vậy”, ông Morgulov đã nói như vậy với hãng tin Interfax. “Chúng tôi xem biện pháp đó là phản tác dụng bởi riêng áp lực về kinh tế sẽ không dẫn đến kết quả mà chúng ta mong muốn, không giải quyết được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, nó lại gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo bởi các biện pháp trừng phạt làm tổn thương đến người dân thường trước tiên - đó là điều mà chúng ta cần phải tính đến”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo.
Ông Morgulov nhắc lại lập trường của Moscow rằng, Mỹ và Hàn Quốc nên chấm dứt các cuộc tập trận chung như một cử chỉ thiện chí nhằm có được một lời cam kết từ Triều Tiên về việc họ sẽ ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Đây là sáng kiến được gọi là “chấm dứt kép” mà Nga và Trung Quốc cùng đưa ra trước đây. Một sự “chấm dứt kép” như vậy sẽ cho phép Washington và Bình Nhưỡng có thể đàm phán một giải pháp cho cuộc khủng hoảng an ninh ngày một nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga giải thích.
Trước đó, hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã khiến không ít người vui mừng và kỳ vọng, khi ông này tuyên bố Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên “bất kỳ khi nào họ muốn”, và không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Tuy nhiên, cũng rất nhanh sau đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ lại lên tiếng “đính chính” phát biểu của Ngoại trưởng Tillerson, nhấn mạnh rằng, bất kỳ tiến trình đàm phán nào cũng đều chỉ được khởi động sau khi cách cư xử của Triều Tiên tốt lên.
Thứ trưởng Morgulov cam kết, về phía Moscow, nước này sẽ không vội vã hành động chống lại Triều Tiên. Ví dụ, Nga sẽ không trục xuất các lao động Triều Tiên đang làm việc ở Nga ra khỏi quốc gia Châu Âu mà chỉ tạm thời ngừng hoạt động thuê các nhân công Triều Tiên theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Những công nhân Triều Tiên ký hợp đồng trước khi nghị quyết trừng phạt được thông qua hôm 11/9 sẽ tiếp tục ở lại làm việc tại Nga cho đến khi hợp đồng của họ chấm dứt. Chúng tôi sẽ không đưa ra những quyết định vội vã. Sẽ không có sự trục xuất ngay lập tức hay hủy bỏ các hợp đồng còn thời hạn của họ”, Thứ trưởng Ngoại giao Morgulov đã hứa như vậy.
Nga hiện đang thuê khoảng 35.000 lao động Triều Tiên, hầu hết ở khu vực biên giới, trong ngành xây dựng và các ngành sản xuất liên quan đến gỗ. Hoạt động xuất khẩu lao động của Triều Tiên đang nằm trong mục tiêu trừng phạt của Liên Hợp Quốc bởi các công nhân này được trả bằng ngoại tệ mà chính phủ Triều Tiên về mặt lý thuyết có thể dùng để mua các sản phẩm cho những dự án quân sự ở trên thị trường đen.
Theo lời ông Morgulov, Moscow và Bình Nhưỡng vẫn hợp tác với nhau qua một số kênh ngoại giao dù hai bên có sự khác biệt về quan điểm trong vấn đề hạt nhân. “Mối quan hệ liên quốc gia giữa hai nước vẫn diễn ra. Chúng tôi là láng giềng của nhau và có nhiều kênh để đối thoại, qua hai bộ ngoại giao, hoặc cấp độ chính phủ, quốc hội… Chúng tôi có một ủy ban liên nhà nước để thúc đẩy hợp tác trong các dự án kinh tế”. Ông Morgulov cho biết thêm, chuyến thăm đang diễn ra của một phái đoàn quân sự Nga đến Bình Nhưỡng là một trong những minh chứng cho thấy hai nước vẫn tiếp xúc với nhau trong cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện giờ.
Việc Nga lên tiếng bênh vực Triều Tiên là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Bản thân Nga cũng là nạn nhân của chiến dịch trừng phạt mạnh mẽ mà phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang thực hiện. Hơn nữa, Triều Tiên là láng giềng của Nga và Moscow không thể chấp nhận viễn cảnh cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục bị đẩy lên cao nữa, tiến gần hơn đến miệng hố chiến tranh. Tổng thống Putin hôm qua đã lên tiếng cảnh báo, một cuộc tấn công vào Triều Tiên sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc và ông này mong muốn phối hợp với Washington để tháo gỡ tình hình Triều Tiên.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc