Vì sao Mỹ bất ngờ coi thường tên lửa mạnh nhất của Triều Tiên?

16:05, 18/12/2017
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi cuối tuần vừa rồi đã bất ngờ tuyên bố một cách đầy tự tin rằng, CHDCND Triều Tiên hiện tại chưa có khả năng tấn công vào lục địa Mỹ bằng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Phát biểu này đối lập hoàn toàn với tuyên bố được Triều Tiên đưa ra trước đó và được giới quân sự thế giới thừa nhận. Nó cũng thậm chí đối ngược với cả tuyên bố từng được ông Mattis đưa ra cách đây không lâu. Vì sao ông Mattis lại thay đổi lập trường một cách đột ngột như vậy?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên “hiện tại vẫn chưa phải là một mối đe dọa đối với chúng tôi”, Bộ trưởng Mattis cho biết trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc hồi cuối tuần trước.

Ông Mattis cho biết thêm, Lầu Năm Góc tiếp tục cân nhắc tiến hành hoạt động “do thám mới đối với Bình Nhưỡng và năng lực tên lửa cũng như hạt nhân của nước này."

Trước đó, sau vụ thử tên lửa Hwasong-15 mới nhất hôm 28/11 vừa rồi, Bình Nhưỡng đã tự tin thông báo nước này đã sở hữu năng lực phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Mattis cũng từng thừa nhận, Bình Nhưỡng đang tích cực tìm kiếm và theo đuổi năng lực có thể bắn một đầu đạn hạt nhân “đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới."

Theo các nhà quan sát, phát biểu mới nhất mang tính “rút lui” lại nhận xét trước đây của Bộ trưởng Mattis phù hợp với những phân tích về mặt kỹ thuật đối với vụ thử tên lửa hồi cuối tháng 11 của Triều Tiên. Giới chuyên gia quân sự của Mỹ cho biết, thông qua những phân tích về mặt kỹ thuật, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cho thấy nước này chưa có khả năng tấn công vào lục địa của Mỹ.

"Tôi rất hoài nghi về năng lực của tên lửa Hwasong-15," chuyên gia cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương cũng là một chuyên gia về phòng thủ tên lửa – Tướng Patrick O'Reilly bày tỏ.

Theo lời ông O'Reilly, vụ phóng tên lửa hôm 28/11 của Triều Tiên được cho là đã thất bại trong việc đạt được một số yếu tố quan trọng cần phải có để khiến nó có thể trở thành một mối đe dọa đáng tin cậy, trong đó có tính ổn định, độ chính xác và khả năng sống sót trước nhiệt độ, sự chuyển động hay khi hồi quyển.

"Có một số phỏng đoán về kỹ thuật mang ý đồ xấu được đưa ra”, ông O'Reilly nói về vụ phóng tên lửa Hwasong-15 hồi tháng 11 của Triều Tiên. Vị chuyên gia về hàng không của Mỹ khẳng định, “đánh giá về mối đe dọa hiện tại từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên là sai và dựa trên những giả định cực kỳ hiếu chiến. Có rất nhiều việc cần được làm trước khi bạn có thể đánh giá một mối đe dọa thực sự”, ông O'Reilly nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đã nói đến các nỗ lực đối thoại của Ngoại trưởng Rex Tillerson với Triều Tiên, nhấn mạnh rằng ngoại giao vẫn là ưu tiên của Washington trong khi các lựa chọn quân sự đứng ở đằng sau. "Biện pháp ngoại giao đang được thúc đẩy”, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh, hồi cuối tháng 11 từng rơi vào trạng thái “đứng ngồi không yên” vì lo lắng sau khi Triều Tiên rạng sáng ngày 28/11 bất ngờ phóng đi một tên lửa. Điều đáng nói là sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố tên lửa mà họ vừa phóng thử có khả năng vươn khắp lãnh thổ của nước Mỹ. Nếu tuyên bố này được xác nhận về tính chính xác thì đây rõ ràng là bước tiến vượt bậc ngoài sức tưởng tượng trong chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên.

Theo thông báo chính thức được Bình Nhưỡng phát đi, tên lửa mà họ phóng đi hồi tháng 11 là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới – Hwasong-15.

Giới chuyên gia của các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều nhận định, đây là tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay được đưa vào thử nghiệm của Triều Tiên. Đánh giá ban đầu của phía Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều khẳng định, tên lửa được phóng đi sáng qua của Triều Tiên là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và nó đã bay được khoảng 620 dặm (khoảng 1.000km) trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc