Trung Quốc, Hàn Quốc cảnh báo chiến tranh với Triều Tiên

09:40, 15/12/2017
|

(VnMedia) - Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc tuyên bố, một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ không được chấp nhận, không được dung thứ, thì Mỹ - đồng minh của Hàn Quốc, khẳng định mọi sự lựa chọn đều được đặt lên bàn trong vấn đề Triều Tiên, trong đó có biện pháp quân sự.

Tổng thống Hàn Quốc Moon đang có chuyến thăm đến Bắc Kinh và đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng thống Hàn Quốc Moon đang có chuyến thăm đến Bắc Kinh và đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết thông qua tiến trình đàm phán chứ không phải là một cuộc chiến tranh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua (14/12) đã nhấn mạnh như vậy trong bối cảnh Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ tình hình Triều Tiên leo thang thành một cuộc xung đột.

Phát biểu trên của ông Tập Cận Bình được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp ở Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Moon rằng, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên phải được duy trì và chiến tranh cũng như hỗn loạn trên bán đảo Triều Tiên là điều không được phép xảy ra, báo chí Trung Quốc đưa tin.

"Vấn đề bán đảo Triều Tiên cuối cùng vẫn phải giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn”, báo chí dẫn lời ông Tập Cận Bình cho hay.

Trung Quốc và Hàn Quốc có lợi ích chung quan trọng trong việc duy trì hòa bình và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Seoul để thúc đẩy tiến trình đối thoại cũng như ủng hộ Triều Tiên và Hàn Quốc cải thiện quan hệ, Chủ tịch Tập Cận Bình nói thêm.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Moon đã nhất trí với nhau rằng, một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ không được chấp nhận, không được dung thứ và họ sẽ hợp tác với nhau để trừng phạt cũng như gây sức ép lên Bình Nhưỡng.

Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc - đồng minh của Mỹ công khai bày tỏ mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán thì Nhà Trắng hôm 13/12 vẫn nhấn mạnh, sẽ không có cuộc đối thoại nào được khởi động cho đến khi Triều Tiên cư xử tốt lên. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson từng gây bất ngờ và đem lại sự lạc quan cho nhiều người khi tuyên bố Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng lên tiếng khen ngợi lời phát biểu của ông Tillerson là “một dấu hiệu rất tích cực”. Tuy nhiên, sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã “đính chính” lại những gì Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố, nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng vẫn cần phải ngừng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa trước khi bước đến bàn đàm phán.

Cùng quan điểm với Trung Quốc và Hàn Quốc, Nga cũng phản đối việc dùng biện pháp quân sự để tháo gỡ tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Putin cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ nhằm vào Triều Tiên đều sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc.

Trong khi đó, Mỹ vẫn khẳng định, mọi sự lựa chọn đều được đặt lên bàn trong cách thức xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có hành động quân sự.

Vấn đề THAAD

Tổng thống Hàn Quốc đang có chuyến thăm đến Trung Quốc nhằm làm dịu nỗi tức giận của Trung Quốc trước kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ của Hàn Quốc.

Bắc Kinh đang rất tức giận trước việc Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy kế hoạch triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ của nước này.

Trong cuộc gặp ngày hôm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc đối với kế hoạch triển khai THAAD của Hàn Quốc đồng thời cho biết ông hy vọng Seoul sẽ tiếp tục “xử lý vấn đề một cách thích hợp”.

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km - đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.

Mặc dù Mỹ và Hàn Quốc nhiều lần nhấn mạnh hệ thống THAAD của họ là nhằm vào Triều Tiên nhưng Trung Quốc vẫn quyết liệt phản đối kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Bắc Kinh tin rằng, hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc sẽ làm mất thế cân bằng sức mạnh trong khu vực và đe dọa trực tiếp đến an ninh của Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu của Hàn Quốc. Vì thế, Hàn Quốc hoàn toàn không muốn làm mất lòng Bắc Kinh. Sau khi Hàn Quốc triển khai các đơn vị cuối cùng trong hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, Tổng thống của Hàn Quốc đã phải vội vã lên đường đến Bắc Kinh để tìm cách trấn an nước láng giềng về vấn đề cân bằng an ninh trong khu vực.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc