(VnMedia) - Ngay sau khi Triều Tiên gây rúng động thế giới bằng vụ thử tên lửa mới nhất và mạnh nhất, các tướng hàng đầu của hai nước Mỹ và Trung Quốc đã vội vã gặp nhau để bàn bạc về động thái thách thức mới nhất của Bình Nhưỡng.
Thiếu tướng Shao Yuanming - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, và Trung tướng Richard Clarke - Giám đốc phụ trách chính sách và kế hoạch chiến lược của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã có cuộc gặp gỡ ở thủ đô Washington sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa hôm 29/11.
Cuộc họp diễn ra trong hai ngày, thứ Tư (29/11) và thứ Năm (30/11), chỉ vài giờ sau khi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên được phóng đi vào 3h30 rạng sáng ngày 29/11.
Thiếu tướng Shao và Trung tướng Clarke đã thảo luận về cách thức tăng cường các kênh trao đổi thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua đã cho tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam biết, cuộc họp giữa hai vị tướng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc tập trung vào chủ đề quản lý khủng hoảng nhưng các thông tin chi tiết về nội dung cuộc họp không được tiết lộ. Cuộc họp trên ban đầu được dự kiến diễn ra vào tháng 8 nhưng nó đã diễn ra trong tuần này, ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, tờ báo có trụ sở ở Hồng Kông cho biết.
Cuộc họp giữa hai tướng cấp cao của Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh khu vực bán đảo Triều Tiên đang sôi sùng sục sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ phóng đi một tên lửa mà họ tuyên bố là có khả năng vươn khắp lãnh thổ của nước Mỹ. Nếu tuyên bố này được xác nhận về tính chính xác thì đây rõ ràng là bước tiến vượt bậc ngoài sức tưởng tượng trong chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên.
Theo thông báo chính thức được Bình Nhưỡng phát đi, tên lửa mà họ phóng đi ngày hôm qua là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới – Hwasong-15. Giới chuyên gia của các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều nhận định, đây là tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay được đưa vào thử nghiệm của Triều Tiên. Đánh giá ban đầu của phía Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều khẳng định, tên lửa được phóng đi sáng qua của Triều Tiên là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và nó đã bay được khoảng 620 dặm (khoảng 1.000km) trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Giới chức Mỹ không ngại thừa nhận, Triều Tiên về cơ bản đã sở hữu năng lực có thể tấn công “bất kỳ nơi đâu trên thế giới” với những bước phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của nước này. Tên lửa vừa được phóng đi đã bay vào vũ trụ cao hơn ít nhất 10 lần so với độ cao quỹ đạo của Trạm Không gian Quốc tế và có thể có tầm bắn lên tới 6.500 dặm (tương đương hơn 10.000km) nếu nó bay theo đường bay tiêu chuẩn. Báo chí phương Tây nhận định, sau khoảng lặng 2,5 tháng, Triều Tiên đã bất ngờ phóng đi tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay – một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho thể đặt thủ đô Washington và toàn bộ khu vực ven biển phía đông của Mỹ vào tầm bắn.
Cả Moscow và Bắc Kinh đều lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
"Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân đồng thời Mỹ cũng như Hàn Quốc kiềm chế, không tiến hành các cuộc tập trận không quân đã định – một cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 12 này với quy mô chưa từng có. Một cuộc tập trận như vậy chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã rất căng thẳng”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thẳng thắn bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc và phản đối mạnh mẽ” trước vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên. Đây là lời chỉ trích gay gắt hiếm có mà Bắc Kinh đưa ra nhằm vào đồng minh Bình Nhưỡng của họ.
Trước đó, một loạt nước cũng đã lên án vụ thử tên lửa hôm 29/11 của Triều Tiên. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le hôm 29/11 đã ra tuyên bố cho biết: “Tôi kịch liệt lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Pháp bày tỏ sự đoàn kết với Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đối phó với mối đe dọa này… Tôi tin rằng, đã đến lúc phải tăng cường áp lực và biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên”.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc