(VnMedia) - Có khả năng Liên minh Châu Âu (EU) sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga vào năm tới - 2018, Đại diện thường trực của Nga tại EU – ông Vladimir Chizhov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestia số ra ngày hôm nay (28/12). Nga nhiều lần hy vọng EU dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào họ nhưng bao nhiêu lần hy vọng đều có kết quả là sự thất vọng. Không rõ liệu lần này Nga có tiếp tục vỡ mộng trước EU hay không.
"Tôi không muốn đắm chìm trong những dự đoán, mọi thứ vẫn đang ở dạng đồn đoán. Nhưng khả năng đó (khả năng EU dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt) có thể xảy ra trong năm tới. Chúng ta hãy chờ đợi và xem xem khả năng đó lớn đến đâu”, Đại sứ Chizhov đã trả lời như vậy khi được hỏi về viễn cảnh phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng pahtju nhằm vào Nga.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, việc xem xét lại chính sách trừng phạt sẽ đòi hỏi “nhiều thiện chí chính trị” từ Liên minh Châu Âu.
Mới đây, hôm 14 và 15/12, tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, EU đã thông qua quyết định chính trị trong đó cho phép kéo dài thời hạn thực hiện các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/12.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện nay của EU nhằm vào Nga có hiệu lực đến cuối tháng 1 năm 2018. Với quyết định gia hạn mới, chính sách trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Nga sẽ tiếp tục được thực thi cho đến 31/7/2018. Những biện pháp trừng phạt đó bao gồm sự giới hạn về tài chính đối với các công ty năng lượng, quốc phòng hàng đầu của Nga cũng như các ngân hàng lớn có sự tham gia của nhà nước Nga. Ngoài ra, EU còn áp đặt lệnh cấm xuất khẩu công nghệ năng lượng, quân sự và các thiết bị công nghệ cao cho Nga.
Gói trừng phạt mới được gia hạn nói trên chỉ là một trong ba gói trừng phạt độc lập mà EU đang áp dụng với Nga. Gói biện pháp trừng phạt kinh thế nhằm vào những ngành then chốt của nền kinh tế Nga được gia hạn 6 tháng một lần. Cùng với các biện pháp trừng phạt về kinh tế, EU còn đưa vào danh sách trừng phạt hàng loạt các thực thể pháp lý và cá nhân Nga. Những biện pháp trừng phạt đó có hiệu lực đến tháng Ba năm 2018.
Tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ diễn ra vào tháng Ba năm 2015, giới lãnh đạo EU đã quyết định đưa vấn đề dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga gắn liền với việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk. Kể từ đó, các biện pháp trừng phạt liên tục được gia hạn với lý do các thỏa thuận Minsk chưa được thực hiện nghiêm túc.
EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt. Đây là lý do khiến Moscow không ít lần hy vọng EU sẽ từ bỏ chính sách trừng phạt. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga luôn phải thất vọng trước quyết định của liên minh phương Tây. EU vẫn tiếp tục gia hạn nhiều lần các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Kết quả là đến nay, cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và EU không những không có dấu hiệu kết thúc mà còn ngày càng được kéo dài không hồi kết. EU vẫn khăng khăng gắn vấn đề Ukraine với quyết định dỡ bỏ biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Moscow nhiều lần nhấn mạnh, họ sẽ không lùi bước trong lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và chính sách trừng phạt sẽ không có tác dụng với Nga, chỉ làm cho Nga mạnh lên dù có phải hứng chịu nhiều tổn thất.
Kiệt Linh (tổng hợp)