Liên minh Nga-Trung tan tành vì đòn giáng S-400?

10:22, 28/12/2017
|

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hôm qua (27/12) tiết lộ, Moscow mong chờ sẽ sớm ký hợp đồng bán các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 cho Ấn Độ – nước láng giềng cũng là kình địch khó chịu hàng đầu của Trung Quốc. Thông tin này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại.

Hệ thống S-400
Hệ thống S-400

"Chúng tôi hy vọng hợp đồng S-400 sẽ sớm được ký với Ấn Độ”, ông Rogozin đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24.

Trước đó, hồi giữa tháng 12, hãng thông tấn PTI của Ấn Độ dẫn lời Giám đốc Phụ trách Hợp tác Quốc tế của Tập đoàn Rostec của Nga - ông Viktor Kladov cho biết, Nga và Ấn Độ đang thống nhất về các chi tiết kỹ thuật của họp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tối tân S-400 và họ đang ở “giai đoạn đàm phán tiến triển rất nhanh”.

Nga và Ấn Độ cũng đang thảo luận về giá cả, vấn đề huấn luyện binh sĩ, chuyển giao công nghệ cũng như số hệ thống tên lửa phòng không mà New Delhi muốn mua.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Hồi tháng Tư, Phó Tư lệnh Không quân Nga Viktor Gumyonny tiết lộ, hệ thống S-400 đã được trang bị những tên lửa có khả năng phá hủy mục tiêu ở bên ngoài vũ trụ.

Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD.

Thông tin về việc Nga bán loại tên lửa có sức mạnh khủng khiếp như vậy cho Ấn Độ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không khỏi lo ngại. Quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng Ấn Độ không mấy êm đẹp. Giữa hai nước có cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở khu vực biên giới. Ngoài ra, còn tồn tại một cuộc đua ngầm rất mạnh giữa hai nước lớn của Châu Á nhằm tranh giành ảnh hưởng về vị thế trong khu vực cũng như quốc tế. Trong những năm qua, New Delhi nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của họ là nhằm để đối phó với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.

Trong khi đó, trong những năm trở lại đây, người ta chứng kiến một mối quan hệ ngày càng khăng khít thân thiết giữa Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh bị phương Tây bao vây, cô lập, Nga đang tìm cách lôi kéo Trung Quốc về phía mình để tạo thế đối trọng. Về phía mình, Bắc Kinh cũng đối đầu quyết liệt với Mỹ và đương nhiên cường quốc Châu Á này cũng muốn thiết lập liên minh với Nga để cân bằng sức mạnh. Trong bối cảnh như vậy, việc Moscow nóng lòng muốn bán S-400 cho New Delhi gây bất ngờ và rõ ràng là đòn giáng vào quan hệ liên minh Nga-Trung.

Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng gì trước phát biểu mới nhất của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin.

Kiệt Linh (tổng hợp)