Để đảm bảo an ninh nội địa, Mỹ triển khai hàng nghìn đặc vụ ở hải ngoại với lập luận điều này giúp Mỹ ngăn ngừa khủng bố, chống buôn lậu cùng lúc với tăng cường an ninh quốc tế.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu. Khoảng 2.000 nhân viên an ninh quốc gia, từ các đặc vụ của Lực lượng Nhập cư và Hải quan cho tới các quan chức của Cục Quản lý An ninh Vận tải, đang được triển khai tới hơn 70 nước trên thế giới.
Hàng trăm nhân viên có mặt trên các tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển hoặc kiểm soát bầu trời trên các máy bay trinh sát ở phía đông Thái Bình Dương và Biển Carribe.
"Nhiều đe dọa với nội địa Mỹ bắt đầu ở hải ngoại, đó là những nơi chúng tôi cần có mặt", James Nealon, trợ lý bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ về triển khai lực lượng quốc tế, nói với New York Times.
Xuất khẩu an ninh ra nước ngoài
Chuyến giám sát đầu tháng này của các nhân viên an ninh Mỹ ở khu vực trung chuyển ma túy gần Nam Mỹ cho thấy nỗ lực đẩy mạnh hoạt động ngoài biên giới của Bộ An ninh Nội địa.
Ngay sau khi cất cánh từ sân bay Costa Rica, máy bay trinh sát chở các nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng đã theo dõi một chiếc máy bay ở tầm thấp dường như đang hướng về phía nam để tới Ecuador.
Theo thông tin tình báo, chiếc máy bay không có lịch trình cụ thể và chỉ ở cách mặt nước biển vài trăm mét, rõ ràng là để tránh bị radar phát hiện.
"Nếu bay thấp như vậy thì chắc chắn là có vấn đề", đặc vụ Timothy Flynn nhận xét khi quan sát chiếc máy bay trên màn hình radar.
Một giờ sau, lẩn khuất trong những đám mây để không bị phát hiện, máy bay do thám P-3 của Mỹ đã theo sát chiếc máy bay khả nghi. Sử dụng máy ảnh kỹ thuật số có ống kính tiêu cự lớn, một đặc vụ đã chụp hàng tá ảnh về số đuôi máy bay và các chi tiết nhận dạng khác.
Flynn đã liên hệ với các nhà chức trách Ecuador qua bộ đàm, những người đang chờ máy bay hạ cánh. Họ đã bắt giữ 7 người và tịch thu hơn 360 kg cocaine trên máy bay.
Trong khi Ecuador sẵn lòng hợp tác với các nhân viên của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, các đồng minh khác nói rằng việc mở rộng phạm vi ra nước ngoài như vậy sẽ gây căng thẳng.
Tại Đức, một số nhà lập pháp đặt câu hỏi về chương trình Tư vấn Nhập cư chống khủng bố của bộ khi du khách tại các sân bay nước ngoài bị điều tra và đôi khi bị các sĩ quan mặc thường phục của Cục Hải quan và Biên phòng thẩm vấn trước khi được phép lên máy bay tới Mỹ.
Các sĩ quan người Mỹ này có thể đề nghị các hãng hàng không từ chối cho người nước ngoài lên máy bay. Báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ cho thấy các nhân viên hải quan đã ngăn 8.100 cá nhân có liên hệ với các nhóm khủng bố, được xác định hoặc bị nghi ngờ là khủng bố vào Mỹ trong năm 2015.
Tuy nhiên, Andrej Hunko, thành viên đảng Cánh tả Đức, cho rằng Mỹ đang thực thi lệnh cấm nhập cư theo cách phi pháp và cáo buộc nước này chuyển "kiểm soát nhập cư sang các nước châu Âu".
Hồi tháng 8, văn phòng thủ tướng Canada bất ngờ nhận được hàng loạt thư và email của người dân phản đối đạo luật cho phép các nhân viên hải quan Mỹ canh gác các sân bay Canada để tra hỏi, tìm kiếm và bắt giữ công dân Canada.
Biện pháp được thông qua cách đây hai tuần sau khi Ralph Goodale, bộ trưởng an ninh Canada, bảo đảm với Quốc hội rằng các sĩ quan Mỹ hiếm khi sử dụng thẩm quyền của họ để thẩm vấn hoặc giam giữ công dân Canada.
"Chúng tôi phải đối mặt với những mối đe doạ chung từ buôn lậu ma túy, khủng bố và buôn người. Chúng tôi không thể làm mọi thứ qua điện thoại", ông Goodale trả lời trong cuộc phỏng vấn. "Có lợi ích thực sự khi có thể gặp và nói chuyện trực tiếp với họ để giải quyết các mối đe dọa an ninh", ông cho biết.
Chi phí tốn kém
Theo New York Times, chi phí cho hoạt động của lực lượng an ninh Mỹ ở nước ngoài cũng khiến các nhà phê bình trong nước đặt câu hỏi. Một báo cáo của Quốc hội cho thấy chi phí đặt văn phòng của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và Hải quan ở nước ngoài cao gấp 4 lần so với trong nước.
Hồi tháng 9, trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh Nội địa, Liên đoàn Lao động NTEU cũng bày tỏ lo ngại về kế hoạch triển khai các sĩ quan hải quan ở nước ngoài trong bối cảnh "thiếu nhân viên trầm trọng tại các điểm nhập cảnh trong nước".
Các nhà lập pháp đã yêu cầu các quan chức An ninh Nội địa đánh giá chi phí và lợi ích của việc triển khai hàng nghìn nhân viên ở nước ngoài trong khi bộ muốn thuê thêm 15.000 nhân viên tuần tra biên giới, nhập cảnh và hải quan để đáp ứng cuộc trấn áp nhập cư bất hợp pháp của Tổng thống Trump.
Kevin K. McAleenan, ủy viên ban điều hành Cục Hải quan và Biên phòng, cho biết gần 1.000 đặc vụ của cơ quan này đang hoạt động ở nước ngoài, nhiều hơn bất kỳ bộ phận nào khác của Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Họ kiểm tra hành khách tại sân bay, xem xét hàng hóa được vận chuyển trên các tàu tới Mỹ và đào tạo các sĩ quan hải quan, biên phòng của các nước khác.
Thêm vào đó, một đơn vị chiến thuật đặc biệt của lực lượng tuần tra biên giới, được gọi là BORTAC, đã làm việc tại gần 30 quốc gia để huấn luyện về chống khủng bố và chống buôn lậu ma túy.
Chương trình huấn luyện được một số quan chức Mỹ ở châu Phi đánh giá cao. Theo họ, hoạt động này đã góp phần ngăn chặn việc buôn lậu ở Kenya, giúp nước này bảo vệ biên giới, chống lại các phần tử phiến quân; kiềm chế những kẻ buôn lậu ma túy, buôn bán động vật hoang dã và những kẻ lừa đảo Nigeria tại Nam Phi.
Steve R. Martin, đặc vụ tại Pretoria, cho biết đơn vị BORTAC đã tham gia một chiến dịch gần đây nhằm bắt giữ trùm buôn lậu ma túy Ali Khatib Haji Hassan tại Tanzania.
Các nhà điều tra bắt đầu truy tìm Hassan vào năm 2012, sau khi một thành viên trong nhóm buôn lậu ma túy của y bị bắt tại sân bay Houston. Hassan, còn được gọi là "Shkuba", từng hoạt động ở Nam Phi và được Bộ Tài chính xếp vào danh sách trùm buôn lậu ma túy quốc tế.
Tổ chức buôn lậu ma túy toàn cầu của y nhập lượng lớn heroin từ Pakistan, Iran và cocaine từ các nhà cung cấp ở Nam Mỹ. Một số loại ma túy được phân phối trên các đường phố ở Mỹ.
Hassan cùng hai đồng phạm đã bị chính quyền Tanzania bắt giữ. Ba người này đã bị dẫn độ về Mỹ hồi tháng 5 và đang chờ xét xử. Martin cho biết quan hệ với chính quyền địa phương đã giúp các đặc vụ Mỹ phá được đường dây ma túy trên.
Trong khi đó, luật sư của Hassan cho rằng ba người này đã bị dẫn độ bất hợp pháp về Mỹ vì kháng cáo chống lại lệnh dẫn độ của họ vẫn chưa được tòa án Tanzania giải quyết.
Các hoạt động như vụ chống buôn lậu ma túy ở Nam Phi đã khiến Bộ An ninh Nội địa phải thuê thêm đặc vụ cũng như chuyên gia về nhập cư và hải quan tại các văn phòng ở Honduras, Guatemala và El Salvador, các quốc gia là điểm nóng của trung chuyển ma túy và nhập cư bất hợp pháp. Cục Hải quan và Biên phòng cũng đang mong muốn tăng cường sự hiện diện tại các sân bay nước ngoài.
Trong tất cả hoạt động ở nước ngoài, nhiệm vụ của máy bay trinh sát P-3 có thể là chương trình quốc tế có phạm vi rộng nhất của Bộ An ninh Nội địa.
Chiếc máy bay đã tuần tra hơn 100.000 km2 ở Vịnh Mexico, vùng biển Caribbe và Thái Bình Dương, khu vực rộng gấp 14 lần lục địa Mỹ. Cục Hải quan và Biên phòng duy trì đội máy bay giám sát gồm 14 chiếc với thời gian sử dụng liên tục có thể lên tới 12 giờ.
Năm ngoái, phi hành đoàn P-3 đã đóng góp vào 145 vụ bắt giữ ma túy, giúp các cơ quan của Mỹ và nước ngoài thu được gần 15.500 kg cần sa và gần 88.000 kg cocaine theo hồ sơ của Cục Hải quan và Biên phòng.
Trong nhiệm vụ mới nhất của mình ở Costa Rica, phi hành đoàn đã theo dõi một chiếc thuyền nhỏ ngoài khơi Colombia bị nghi ngờ chứa đầy cocaine đang hướng về phía bắc Mexico và sau đó đến Mỹ. Các đặc vụ Mỹ đã thông báo cho hải quân Colombia về vị trí của con tàu để phối hợp bắt giữ.
William J. Schneider, phi công của chiếc P-3, cho rằng những nhiệm vụ như vậy đã dẫn tới việc bắt giữ những vụ vận chuyển ma túy cực lớn. "Nếu chúng tới được biên giới và chia hàng thành các gói nhỏ thì sẽ khó ngăn chặn hơn", anh nói.
Theo news.zing.vn