Chưa kịp vui mừng vì đòn đánh Triều Tiên mạnh nhất, Mỹ bị "tạt gáo nước lạnh"

10:51, 26/12/2017
|

(VnMedia) - Chưa kịp vui mừng trước thành công của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc khiến các nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có cả Nga và Trung Quốc, đồng lòng ủng hộ nghị quyết trừng phạt mạnh tay nhất nhằm vào Triều Tiên, Mỹ bất ngờ bị “tạt gáo nước lạnh” phũ phàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

CHDCND Triều Tiên tuyên bố, sẽ là một “ý nghĩ viển vông” nếu Mỹ cho rằng nước họ sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng đồng thời cũng miêu tả loạt biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhằm vào nước này là “hành động chiến tranh” và vi phạm chủ quyền quốc gia. Phát biểu trên của Bình Nhưỡng cho thấy, càng siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ, họ càng tỏ ra thách thức hơn.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi cuối tuần vừa đã đồng lòng thông qua một gói biện pháp trừng phạt mới hà khắc hơn rất nhiều nhằm vào Triều Tiên để đáp trả vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của nước này. Nghị quyết trừng phạt mới được Mỹ phác thảo và đã có sự đàm phán với đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên – Trung Quốc.

"Chúng tôi cho rằng ‘nghị quyết trừng phạt’ được Mỹ và các nước theo sau họ đưa ra là một sự xâm phạm nghiêm trọng đối với chủ quyền của nước cộng hòa chúng tôi, một hành động chiến tranh, phá hoại hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực. Chúng tôi bác bỏ mạnh mẽ ‘nghị quyết’ đó”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết trong một tuyên bố được phát đi hôm Chủ nhật (24/12).

Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng khẳng định, các biện pháp trừng phạt mới chẳng khác nào “một sự phong tỏa kinh tế hoàn toàn” đối với Triều Tiên.

"Nếu Mỹ mong muốn sống an toàn, họ phải từ bỏ ngay chính sách thù địch đối với Triều Tiên và học cách cùng chung sống với quốc gia có vũ khí hạt nhân đồng thời nên tỉnh giấc, đừng có ý nghĩ viển vông về việc đất nước chúng tôi sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân – loại vũ khí mà chúng tôi đã phát triển và đạt được qua rất nhiều khó khăn, gian khổ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên được đăng tải trên hãng thông tấn chính thức KCNA cho hay.

Trung Quốc hôm qua (25/12) đã lên tiếng kêu gọi sự kiềm chế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho rằng, các nước nên “có những nỗ lực tích cực và mang tính xây dựng để làm dịu căng thẳng” trên bán đảo Triều Tiên.

Bà Hua cho biết, nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh đến việc “không gây ra ảnh hưởng tiêu cực về mặt nhân đạo” đối với người dân Triều Tiên cũng như không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế thông thường hoặc viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Nghị quyết trừng phạt mới bao gồm việc giảm mạnh mức độ hạn chế nhập khẩu dầu mỏ tinh chế vào Triều Tiên, trục xuất toàn bộ người lao động Triều Tiên ra khỏi các nước trong vòng 24 tháng và thẳng tay ngăn chặn các con tàu chở hàng cấm, trong đó có than đá và dầu mỏ, ra vào Triều Tiên.

Thành công của chính quyền Tổng thống Trump trong việc thúc đẩy nghị quyết mới nhất nói trên được thông qua đã nhận được sự khen ngợi của chính khách Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ – ông Ben Cardin. Ông này nói rằng: “Đó là một động thái tích cực, một thành công lớn”.

Ông Cardin đã phát biểu trên chương trình "Fox News Sunday" rằng, việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên nên được theo sau bởi các hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Trung Quốc trong nỗ lực lâu dài hướng tới việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng đang leo thang từng ngày trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, nghị quyết trừng phạt mới không bao gồm những biện pháp hà khắc hơn mà chính quyền Trump vạch ra trước đó. Mỹ đã muốn đưa vào biện pháp trừng phạt cấm toàn bộ hoạt động nhập khẩu dầu mỏ vào Triều Tiên cũng như phong tỏa các tài sản quốc tế của chính phủ Triều Tiên cũng như của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Nghị quyết ban đầu được Mỹ phác thảo nói trên đã vấp phải sự chỉ trích của Nga, dẫn đến việc các nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau đó phải xem xét lại và đưa ra những sự thay đổi vào phút cuối. Hai trong số những thay đổi mới bao gồm việc kéo dài thời gian trục xuất các lao động Triều Tiên từ 12 tháng lên 24 tháng và giảm số người Triều Tiên bị đưa vào danh sách trừng phạt từ 19 xuống còn 15.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc