Nga quyết đấu với Mỹ đến cùng để bảo vệ đồng minh Syria

07:15, 17/11/2017
|

(VnMedia) - Nga hôm qua (16/11) đã thẳng thừng bác bỏ một nghị quyết về Syria do Mỹ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là lần thứ 10 Moscow dùng lá phiếu phủ quyết quyền lực của mình để bảo vệ đồng minh Syria.

Cả nghị quyết của Nga và Mỹ về Syria đều bị bác bỏ tại cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày hôm qua
Cả nghị quyết của Nga và Mỹ về Syria đều bị bác bỏ tại cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày hôm qua

 

Nga đã phủ quyết nghị quyết mà Mỹ phác thảo về việc  kéo dài thời hạn thực hiện sứ mệnh của Ủy ban Điều tra Chung (JIM) – cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở chiến trường Syria kể từ khi cuộc chiến ở đây bùng lên năm 2011. Sứ mệnh của JIM đã kết thúc vào nửa đêm ngày hôm qua. Điều này đồng nghĩa với việc, cuộc điều tra chung do Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) cùng thực hiện xung quanh các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria sẽ phải dừng lại nếu không được gia hạn thêm thời gian.

Một nghị quyết cần phải nhận được 9 lá phiếu ủng hộ nếu muốn được thông qua và đương nhiên nó phải nhận được đủ toàn bộ 5 lá phiếu ủng hộ của tất cả các thành viên có quyền phủ quyết gồm Mỹ, Pháp, Nga, Anh và Trung Quốc. Nghị quyết của Mỹ dành được 11 lá phiếu ủng hộ. Nga và Bolivia bỏ phiếu chống trong khi Trung Quốc và Ai Cập bỏ phiếu trắng.

Cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua đã châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Nga và Mỹ ngay tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chỉ vài giờ sau khi phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ tin tưởng rằng ông có thể hợp tác với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong các vấn đề như Syria.

Tức giận trước việc Nga tiếp tục dùng quyền phủ quyết bác bỏ nghị quyết mới nhất về Syria, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley gay gắt chỉ trích: "Nga đã giết chết cơ chế JIM ... Nga đã làm phương hại đến khả năng của chúng ta trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai. Trên thực tế Nga đã chấp nhận tình trạng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Làm thế nào chúng ta có thể tin tưởng được việc Nga sẽ ủng hộ cho tiến trình hòa bình ở Syria?"

Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4/4 nhằm vào Khan Sheikhoun ở Syria đã khiến Mỹ phát động một cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ của chính quyền Syria. Đại sứ Haley hôm qua thẳng thừng cảnh báo: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy nếu thấy cần. Chính quyền của ông Assad cần phải biết rõ, Mỹ không chấp nhận Syria sử dụng vũ khí hóa học”.

Đáp lại những lời chỉ trích, cảnh báo trên, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc – ông Vassily Nebenzia cho rằng, Nga phải dùng đến quyền phủ quyết bởi bản phác thảo nghị quyết của Mỹ về Syria là không công bằng và sai lầm.

Sau khi nghị quyết của Mỹ không được thông qua, Bolivia đã đề nghị tiến hành bỏ phiếu một nghị quyết riêng khác do Nga trình lên. Nghị quyết này cũng đã thất bại khi chỉ nhận được 4 phiếu ủng hộ, 7 phiếu chống và 4 phiếu trắng.

Đại sứ Nga Nebenzia bày tỏ, ông “rất thất vọng” và rằng những nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Nga sẽ phải “chịu trách nhiệm trong việc JIM ngừng cuộc điều tra”.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, Tổng thống Trump đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gia hạn thời gian tiến hành cuộc điều tra, nói rằng đó là điều cần thiết để ngăn chặn Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Nga đã nhất trí thành lập JIM năm 2015 để tiến hành điều tra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trên chiến trường Syria. Tuy nhiên, Nga luôn hoàn nghi về kết quả điều tra của JIM.

Lâu nay, Mỹ và phương Tây luôn đổ lỗi cho Damascus mỗi lần có cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nào xảy ra trên chiến trường Syria. Chính quyền Syria liên tục bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài suốt gần 7 năm qua.

Nga cũng luôn đứng ra bênh vực chính quyền của Tổng thống Assad trong vấn đề sử dụng vũ khí hóa học.

Hôm 4/4, sau khi xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Khan Sheikhun, Syria, Tổng thống Donald Trump đã thẳng thừng ra lệnh cho quân đội phóng đi hàng chục quả tên lửa cực mạnh nhằm vào một sân bay của Syria để trả đũa Damascus.

Trước đó, hồi năm 2013, chính quyền của Tổng thống Barack Obama từng chuẩn bị cho một cuộc tấn công Damascus cũng vì vấn đề sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, Nga đã kịp thời can thiệp và giúp Syria không phải hứng chịu cuộc tấn công đó.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc