(VnMedia) - Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây tiết lộ thông tin gây sốc, theo đó, Mỹ từng bị những đồng minh thân thiết hàng đầu tìm mọi cách lôi kéo vào một cuộc chiến tranh và ông miêu tả động thái đó giống như “một cái bẫy theo nhiều cách” đối với Washington.
Cựu Ngoại trưởng Kerry tối hôm thứ Ba (28/11) bất ngờ tiết lộ, lãnh đạo của các nước Israel, Ả-rập Xê-út và Ai Cập từng ồ ạt gây sức ép với Mỹ để buộc Mỹ phải đánh bom Iran trước khi các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận hạt nhân mang tính đột phá năm 2015. Ông Kerry miêu tả diễn biến trên giống như “một cái bẫy theo nhiều cách” đối với Washington.
Israel, Ả-rập Xê-út và Ai Cập đã vận động để Mỹ đánh bom Iran trước khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký kết. Tuy nhiên, Washington xem đó là một “cái bẫy”. Ông Kerry – người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trước khi vào tiếp quản Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2013, đã nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa ông này với Quốc vương Ả-rập Xê-út Abdullah, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông đang là một thượng nghị sĩ. Tất cả ba nhà lãnh đạo trên đều ra sức vận động để Mỹ thực hiện một hành động quân sự nhằm vào Iran. “Mỗi người trong số họ đều nói: Các bạn phải đánh Iran, đó là cách duy nhất khiến họ hiểu được mọi việc”, ông Kerry kể lại.
“Tôi nhớ cuộc trò chuyện với Tổng thống Mubarak. Tôi nhìn ông ấy và nói: Rất dễ để các bạn nói như vậy. Chúng tôi đánh bom họ và tôi cá là các bạn sẽ là những người đầu tiên ngay ngày hôm sau lên tiếng chỉ trích chúng tôi về điều đó. Và ông ấy tiếp tục: “Tất nhiên, ha-ha-ha-ha!’”, ông Kerry cho biết. Vị cựu Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm: “Đó là một cái bẫy theo nhiều cách. Nhưng quan trọng hơn, Thủ tướng Netanyahu đã thực sự kích động theo hướng tung đòn quân sự”.
Không rõ cuộc họp mà ông Kerry nhắc đến ở trên diễn ra vào thời điểm nào. Ông Kerry là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từ năm 2009. Ông Mubarak bị truất quyền hồi tháng 2 năm 2011, trong khi Quốc vương Abdullah qua đời hồi tháng 1 năm 2015.
Ông Kerry đã nhân dịp này lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà các cường quốc, trong đó có Mỹ, ký kết với Iran. Cựu Ngoại trưởng Kerry có vai trò nhất định trong việc giúp các nước ký kết thành công thỏa thuận hạt nhân. Theo thỏa thuận đó, các cường quốc sẽ nới lỏng chính sách trừng phạt đối với Iran để đổi lại việc nước này hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ. Ông Kerry tin rằng, nếu không có thỏa thuận trên, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập có thể sẽ tự mình phát triển vũ khí hạt nhân trong khi viễn cảnh bùng nổ xung đột quân sự với Iran là rất có khả năng xảy ra.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ không ngần ngại chỉ trích Tổng thống Donald Trump về việc đang tìm mọi cách để phá hoại thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Hôm 14/7/2015, Iran và nhóm P5+1 gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Đức đã ký Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) nhằm đảm bảo chương trình hạt nhân của Iran có bản chất hòa bình. Theo thỏa thuận này, Iran cam kết không phát triển thêm nữa chương trình vũ khí hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được các cường quốc nới lỏng những biện pháp trừng phạt quốc tế.
Thỏa thuận hạt nhân Iran trên được xem là bước đột phá trong chính sách đối ngoại của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, nó lại vấp phải sự chỉ trích của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng, ông này sẽ xé nát thỏa thuận hạt nhân mà 6 cường quốc ký với Iran năm 2015, miêu tả đó là “thảm họa”, là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán từ trước đến nay”. Ông Trump nhấn mạnh, “ưu tiên số 1” của ông khi lên cầm quyền là hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Những phát biểu của ông Trump khiến Iran thực sự lo ngại. Iran không muốn mất đi thỏa thuận hạt nhân đang giúp họ nới lỏng những biện pháp trừng phạt hà khắc mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên họ vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Chính quyền Tổng thống Trump đang áp dụng một lập trường cứng rắn với Iran, khác hẳn với chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc