(VnMedia) - Hàn Quốc tuyên bố, hệ thống vũ khí đỉnh cao THAAD không nhằm vào các nước như Nga và Trung Quốc, vì thế họ “chẳng có gì để phải nói lời xin lỗi”. Phát biểu này tiếp tục làm leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Seoul với Bắc Kinh và Moscow vì kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Seoul sẽ không tiến hành triển khai thêm các khẩu đội tên lửa THAAD trên lãnh thổ của mình. “Chúng tôi sẽ không tính đến chuyện triển khai thêm bất kỳ hệ thống THAAD nào”, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha hôm qua (30/10) đã tuyên bố như vậy trước các nghị sĩ.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc hồi tháng Năm đã chính thức bắt tay vào triển khai các khẩu đội tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc với mục đích được tuyên bố là nhằm để chống lại các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Bước đi này đã khiến Trung Quốc và Nga thực sự tức giận.
Mỹ liên tục khẳng định hoạt động triển khai THAAD là biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, phía Nga và Trung Quốc khăng khăng cho rằng cái gọi là mối đe dọa mang tên Triều Tiên chỉ là cái cớ. Hai nước này chỉ ra rằng, các hệ thống THAAD là không đủ để đối phó với mối đe dọa lớn nhất từ Triều Tiên – đó là các khẩu pháo đang được chĩa về phía Hàn Quốc và đội quân gần 30.000 người của Mỹ đóng trên bán đảo Triều Tiên.
THAAD không có khả năng đánh chặn đạn pháo. “Vì thế, các hệ thống THAAD đơn giản không phải là thứ vũ khí cần thiết để chống lại Hàn Quốc. Như vậy, chúng tôi và các đối tác của chúng tôi ở Trung Quốc đều hiểu rất rõ rằng, THAAD là nhằm vào Nga và Trung Quốc”, một quan chức của Bộ Ngoại giao Nga – ông Georgiy Borisenko hôm 11/10 đã đưa ra phân tích như vậy.
Đáp lại, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang bác bỏ lập luận trên, nhấn mạnh rằng THAAD không nhằm đe dọa các nước trong khu vực. “Như đã được giải thích rất nhiều lần trước đây, hệ thống THAAD chỉ là một biện pháp phòng thủ”, nhà ngoại giao hàng đầu của Hàn Quốc cho biết đồng thời thêm rằng Seoul “chẳng có gì để phải nói lời xin lỗi”.
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km - đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.
Hồi tháng Sáu, Mỹ đã lắp đặt thêm 4 hệ thống THAAD, đưa tổng số hệ thống này ở Hàn Quốc lên con số 6. Mỗi hệ thống THAAD sẽ bao gồm 6 bệ phóng, 48 tên lửa đánh chặn, một đơn vị thông tin và điều khiển hỏa lực, và một hệ thống radar AN/TYP-2. Dàn vũ khí đỉnh cao của Mỹ được lắp đặt ở Seogju, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 300km.
Trước đây, Hàn Quốc chần chừ chưa muốn cho phép Mỹ triển khai THAAD trên đất của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi kể từ sau sự thách thức cao độ của Triều Tiên trong thời gian qua.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu của Hàn Quốc. Bắc Kinh đã tìm mọi cách để ngăn chặn kế hoạch triển khai THAAD. Với lý do liên quan đến vấn đề an toàn và sức khỏe, Trung Quốc từng đóng cửa 87 trong số 99 của hàng của tập đoàn Lotte của Hàn Quốc sau khi hệ thống THAAD được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trung Quốc còn cho dừng dự án xây dựng công viên giải trí có nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc... Nhưng những đòn trừng phạt như trên của Trung Quốc không khiến Hàn Quốc thay đổi lập trường bởi đối với họ mối đe dọa từ Triều Tiên hiện giờ cấp thiết hơn bao giờ hết.
Một vị quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc từng phát biểu: "Việc triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc là một cú giáng mạnh vào lợi ích của Nga, Trung Quốc và các nước khác”. Moscow và Bắc Kinh tin rằng, hệ thống THAAD trên đất Hàn Quốc đe dọa đến an ninh của hai nước họ.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc