Nga khiến Đức tự tay phá vỡ thế trận của phương Tây?

11:49, 26/10/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua (25/10) đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông cảm thấy không vui về tình trạng mối quan hệ hiện nay giữa Moscow và Berlin và rằng cả hai bên cần phải nỗ lực để cải thiện mối quan hệ này.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Chuyến thăm đầu tiên tới Nga của một Tổng thống Đức kể từ năm 2010 đã diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Đức vẫn đang căng thẳng vì vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 cũng như vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc Đức cáo buộc Nga can thiệp vào nền chính trị của họ - một lời cáo buộc mà Moscow bác bỏ.

"Sẽ là vô cùng cần thiết để chúng ta tận dụng cơ hội này với tư cách là các tổng thống để tiếp tục thúc đẩy tiến trình đối thoại nhằm cải thiện mối quan hệ song phương vốn đang ở tình trạng mà chúng ta không thể hài lòng”, Tổng thống Steinmeier đã nói như vậy với người đồng cấp Putin ngay khi mở đầu cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

"Tôi tin rằng, chúng ta cần phải chống lại xu hướng đang gia tăng hiện nay giữa hai nước trong những năm gần đần đây và làm những việc chúng ta cần để tiếp tục thúc đẩy đối thoại. Chúng ta cần những nỗ lực dài lâu từ cả hai phía để tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng”, Tổng thống Đức nói thêm.

Nói đến mối quan hệ mang tính lịch sử giữa Nga và Đức, ông Steinmeier tuyên bố, ông coi mục tiêu cải thiện quan hệ với Moscow là nghĩa vụ cá nhân của mình đối với nhân dân Châu Âu. Nga và Đức “có mối quan hệ ràng buộc hơn một ngàn năm” và vì thế “rất quan trọng” để thiết lập đối thoại nhằm đảo ngược mối quan hệ giá lạnh hiện nay.

Tổng thống Đức cam kết, ông sẽ “nỗ lực đóng góp cá nhân” cho tiến trình đàm phán nói trên. “Chúng ta sống ở Châu Âu cùng với nhau và nhiệm vụ của chúng ta đối với nhân dân là luôn tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ gắn bó bất chấp những bất đồng hiện nay”.

Ông Steinmeier nhấn mạnh, giới lãnh đạo đương nhiệm không thể rũ bỏ quá khứ, kêu gọi chính phủ và nhân dân hai nước Đức, Nga khôi phục niềm tin và “tìm một con đường thoát ra khỏi vòng xoáy tiêu cực hiện tại”.

Tổng thống Putin miêu tả cuộc hội đàm giữa ông với Tổng thống Đức là “mang tính xây dựng”. "Chúng ta đều biết rằng, bất chấp những khó khăn về chính trị hiện nay, quan hệ Nga-Đức không dừng lại và chúng tôi sẵn sàng hợp tác để tiếp tục phát triển mối quan hệ đó”, ông Putin phát biểu.

Ông Steinmeier – một người của Đảng Dân chủ Xã hội và trước đây từng giữ chức Ngoại trưởng Đức, từ lâu đã luôn kêu gọi tăng cường sự hợp tác giữa Berlin và Moscow.

Đảng của ông Steinmeier sẽ đi theo hướng đối lập sau 4 năm kết đồng minh với đảng của Thủ tướng Angela Merkel. Đảng Dân chủ Xã hội muốn dần gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Moscow vì những cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tổng thống Steinmeier cũng đưa ra sáng kiến giải trừ vũ khí mà ông này hy vọng sẽ thúc đẩy Nga và Mỹ tiến hành đàm phán để giảm vũ khí thông thường.

Thủ tướng Merkel – người đang chống lại các nỗ lực nhằm tháo bỏ dần các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, hiện tại đang tìm cách thiết lập một liên minh ba bên với Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ doanh nghiệp và Đảng Greens.

Một chính sách mới đối với Nga có thể sẽ hình thành cho đến khi cuộc đàm phán thành lập liên minh ở Đức được bắt đầu vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, Đảng Greens về cơ bản ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Nga vì vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn cho chính quyền Syria.

Đức cùng với đồng minh Mỹ và Châu Âu lao vào đổ lỗi, cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, “tiếp tay” cho lực lượng ly khai để gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine. Dưới sức ép của Mỹ, Đức cùng các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ người bạn thân của Nga, Đức bỗng chốc trở thành nước dẫn dắt Liên minh châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.

Nếu Đức thực sự làm lành với Nga thì điều này đồng nghĩa với việc mặt trận chống Nga của phương Tây sẽ bị tan vỡ.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc