Bị "chiếu tướng" bởi đối thủ mạnh nhất, Nga chuẩn bị đáp trả?

08:16, 10/10/2017
|

(VnMedia) - NATO hôm qua (9/10) đã chính thức thiết lập một lực lượng đa quốc gia mới đóng tại Rumani với mục đích nhằm đối phó với Nga ở sườn phía đông của liên minh quân sự này đồng thời kiểm soát sự hiện diện quân sự của Nga ở Biển Đen sau vụ điện Kremlin sáp nhập Crimea năm 2014.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lực lượng đa quốc gia sẽ bao gồm binh sĩ đến từ 9 quốc gia NATO và có quân số lên tới 4.000 người. Đội quân này sẽ kết hợp với lực lượng 900 binh sĩ của Mỹ đã được triển khai đến Rumani trước đó. Kế hoạch của NATO còn bao gồm hoạt động tăng cường triển khai các vũ khí không quân và hải quân, giúp lực lượng đa quốc gia sở hữu năng lực mạnh hơn.

“Mục đích của chúng tôi là hòa bình chứ không phải chiến tranh”,Tổng thống Rumani Klaus Iohannis đã tuyên bố như vậy trước cuộc họp của các nghị sĩ trong liên minh NATO ở Bucharest.

“Chúng ta không phải là một mối đe dọa đối với Nga. Nhưng chúng ta cần đối thoại trong tư thế có sức mạnh và khiến họ phải nhụt chí”, ông Klaus Iohannis đã nói như vậy trước khi bay đến căn cứ quân sự Craiova ở phía đông nam Rumani.

Tại căn cứ, khi quân nhạc nổi lên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đứng bên cạnh Tổng thống Iohannis đã có bài phát biểu trước các quân nhân trước khi duyệt vũ khí và phượng tiện quân sự của lực lượng đa quốc gia vừa được thành lập.

“Chúng ta đang phát đi một thông điệp rất rõ ràng: NATO ở đây, NATO mạnh và NATO đoàn kết”, Tổng thư ký Stoltenberg tuyên bố như vậy với các binh sĩ đến từ Ba Lan, Rumani, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

“Ở đây, ở Rumani, sư đoàn đa quốc gia của chúng ta đã chính thức ra đời. Chúng ta cũng đang chứng kiến liên minh NATO tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen. Hoạt động triển khai của chúng ta là một câu trả lời trực tiếp cho những hành động gây hấn của Nga ở Ukraine. Các hành động của NATO chỉ mang tính phòng thủ, hợp lý và hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế của chúng ta“, vị lãnh đạo cao nhất của NATO nhấn mạnh.

Ông Stoltenberg tiếp tục bày tỏ, các thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương “rất lo ngại trước hoạt động tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga ở các đường biên giới của chúng ta và sự thiếu minh bạch của Nga trong các cuộc tập trận như cuộc tập trận Zapad 2017”.

“Nga là láng giềng của chúng ta. Nga đang ở đây. Chúng ta không muốn cô lập Nga. NATO không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Các hành động của chúng ta là nhằm ngăn chặn chứ không phải kích động xung động”, Tổng thống thư ký NATO cho biết trong bài phát biểu trước lực lượng đa quốc gia mới.

Chi tiết về lực lượng vừa được lập ra ngay sát sườn Nga không được công bố. Theo một số thông tin cơ bản, ngoài việc được đóng góp binh sĩ từ 10 quốc gia thành viên NATO, lực lượng mới có sự triển khai cả trên đất liền, trên không và trên biển. Đội quân này sẽ đóng tại một căn cứ gần thành phố phía nam Craiova của Rumani. Ngoài Rumani, Ba Lan là nước đóng góp nhiều quân nhất cho lực lượng mới. Bulgaria, Italia và Bồ Đào Nha sẽ huấn luyện cùng với lực lượng ở Craiova, trong khi Đức dự kiến cũng đóng góp cho lực lượng mới. Ngoài các chuyến tuần tra trên Biển Đen định kỳ, lực lượng đa quốc gia sẽ tăng cường sự hiện diện hàng hải bằng nhiều chuyến thăm hơn nữa đến các cảng của Rumani và Bulgari cũng như tăng cường tập trận và huấn luyện.

Một số quốc gia Đông Âu được cho là còn muốn NATO triển khai hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo mới, cụ thể là trên lãnh thổ Rumani, như một phần của chính sách đối phó của liên minh quân sự phương Tây đối với Nga.

Moscow chắc chắn sẽ lo ngại và bất an trước bước đi mới nhất của NATO nói trên bởi động thái này được tiến hành trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow chắc chắn sẽ có hàng loạt biện pháp để đáp trả.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc