(VnMedia) - Khi Mỹ tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, Liên minh Châu Âu (EU) có thể sẽ phớt lờ những biện pháp trên và tiếp tục theo đuổi mối quan hệ hợp tác với Nga trong lĩnh vực này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik hồi cuối tuần vừa rồi, một chuyên gia của Pháp về chiến lược năng lượng và giao thông – ông Nicolas Meilhan đã đưa ra nhận định cho rằng, hành động trừng phạt mới nhất của Mỹ chỉ khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Brussels và Washington.
"Mỹ đã đi quá xa. Khi chính sách trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng đến các công ty của Châu Âu, Châu Âu sẽ im lặng. Tuy nhiên, khi chính sách đó gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của họ, Châu Âu bắt đầu thể hiện sự bất mãn. Vì thế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể sẽ gây phản tác dụng – chúng sẽ khiến Châu Âu rời xa Mỹ”, vị chuyên gia của Pháp đã phân tích như vậy.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện lên Nga, Iran và Triều Tiên. Cụ thể, các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực kinh tế và quốc phòng Nga, hạn chế các giao dịch với một loạt công ty năng lượng và ngân hàng của Nga cũng như chống lại dự án xây dựng mạng lưới đường ống khí đốt mang tên Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Ngay sau khi gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được tung ra, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ được thực hiện đúng tiến độ bất chấp luật trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga.
"Xét đến thực tế là các quốc gia Châu Âu rất quan tâm đến nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, trong đó có nguồn cung cấp thông qua mạng lưới đường ống Nord Stream 2, và xét trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Châu Âu tăng lên trong khi khả năng sản xuất khí đốt của họ ngày một giảm đi, chúng tôi tin rằng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ được thực hiện đúng như tiến độ được đưa ra. Ít nhất cho đến thời điểm này, hoạt động triển khai dự án vẫn đang được thực hiện như dự kiến”, ông Novak nhấn mạnh.
Theo chuyên gia của Pháp – ông Meilhan, "người Mỹ luôn tìm cách làm suy yếu mối quan hệ giữa Châu Âu và Nga. Cách đây 30 năm, ông Ronald Reagan từng tìm mọi cách ngăn cản việc xây dựng một mạng lưới đường ống khí đốt từ Xô-viết nối đến Châu Âu”.
Tuy nhiên, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt và dầu mỏ chính cho Châu Âu, ông Meilhan nhấn mạnh.
"Nga sẽ vẫn là nhà cung cấp chính cho Châu Âu trong tương lai. Một số người Mỹ nghĩ rằng, khí đốt của Mỹ có thể đánh bật khí đốt của Nga ra khỏi thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra”, ông Meilhan nhấn mạnh thêm.
Tập đoàn khí đốt quốc gia của Nga – Gazprom và các đối tác Châu Âu hiện đang bắt tay vào thực hiện hai dự án mang tên Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) và Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream). Các đường ống cho hai hệ thống trên đều đã được thanh toán và công tác chuẩn bị cho hai dự án đều đã được hoàn tất. Tuy nhiên, việc lắp đặt mạng lưới đường ống của hai dự án chưa được khởi động.
Ủy ban Châu Âu và các nước thành viên của EU như Đức phản đối mạnh mẽ gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ vì lo ngại rằng những đòn trừng phạt đó sẽ gây tổn thất cho các công ty của Châu Âu đang hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng cũng như ảnh hưởng đến công ăn việc làm của nhiều người dân Châu Âu.
Theo Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, chính sách trừng phạt “không phải là công cụ thích hợp” để thúc đẩy lợi ích xuất khẩu hay lợi ích cho ngành ngành năng lượng của một nước khác. Ông Gabriel đang ám chỉ đến việc những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là nhằm để làm lợi cho các công ty năng lượng của Mỹ trên thị trường Châu Âu.
EU từng cùng Mỹ khơi mào cuộc chiến trừng phạt chống lại Nga vì cáo buộc Moscow gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành then chốt của Nga như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây đã gây tổn thất cho cả hai.
Tuy nhiên, EU hiện tại công khai thể hiện sự bất mãn với đồng minh Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đơn phương tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga – những biện pháp trừng phạt phớt lờ các lợi ích của Châu Âu.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc