Nga đã có câu trả lời đanh thép cho "đòn đánh" của EU

10:08, 01/07/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (30/6) đã chính thức tung đòn trả đũa bằng quyết định kéo dài thời gian áp dụng lệnh cấm vận các sản phẩm nông sản và thực phẩm của phương Tây cho đến cuối năm 2018. Như vậy, cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây tiếp tục kéo dài dai dẳng mà chưa có hồi kết bất chấp hậu quả mà cả hai bên cùng phải hứng chịu.

Tổng thống Putin
Tổng thống Putin

Theo sắc lệnh do Tổng thống Putin ký và được thông báo công khai trên hệ thống thông tin chính thức của chính phủ Nga, lệnh cấm vận các mặt hàng nông sản, thịt, các sản phẩm từ sữa và hầu hết các mặt hàng thực phẩm khác mà Nga đang áp dụng với các nước trừng phạt họ sẽ được kéo dài cho đến ngày 31/12/2018.

Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Liên minh Châu Âu (EU) chính thức quyết định gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga cho đến cuối tháng Một năm sau. Đòn trả đũa của Moscow cũng được tung ra đúng một tuần trước thềm cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Đức sắp tới.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Điện Kremlin đã áp dụng lệnh cấm vận đối với các mặt hàng nông sản, lương thực và nguyên liệu thô của EU. Kể từ đó đến nay, hai bên tiếp tục mở rộng và kéo dài chính sách trừng phạt lẫn nhau. Kết quả là cả Nga và EU đều bị tổn thất bởi cuộc chiến trừng phạt dai dẳng chưa có hồi kết nói trên.

Moscow cảnh cáo, họ chỉ dỡ bỏ các biện pháp trả đũa của mình khi EU rút lại các biện pháp trừng phạt.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc