Mỹ dựng hàng rào tên lửa không kẽ hở, Nga không thể thoát?

16:05, 18/07/2017
|

(VnMedia) - Cộng hòa Czech, Lithuania và Rumani đang là nơi diễn ra cuộc tập trận Tobruq Legacy 2017 do Mỹ chủ trì. Trước cuộc tập trận, Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa Patriot đến Lithuania. Chuyên gia quân sự Nga Andrei Koshkin cho rằng, Mỹ đang dựng lên một hàng rào tên lửa xung quanh biên giới Nga và buộc các nước khác phải trả tiền cho các hoạt động triển khai này.

Hệ thống tên lửa Patriot
Hệ thống tên lửa Patriot

3 quốc gia Đông Âu đang là nơi diễn ra cuộc tập trận Tobruq Legacy 17 (TOLY 17) – một cuộc tập trận quân sự đang được chủ trì bởi Lực lượng Pháo binh Phòng không của Mỹ, website của Bộ Chỉ huy Không quân Liên minh NATO ở Ramstein, Đức, cho biết.

"Cuộc tập trận kéo dài đến 22/7 không chỉ là một minh chứng thể hiện năng lực mà các lực lượng diễn tập mới đạt được mà còn đem đến một cơ hội để tăng cường cấp độ tương tác giữa các lực lượng phòng thủ tên lửa và đối không đa quốc gia”, website của NATO cho biết.

Ban đầu, từ một cuộc tập trận ba bên với các lực lượng phòng không ở Cộng hòa Czech, Slovakia và Mỹ, TOLY trong 4 năm đã phát triển thành cuộc tập trận phòng không từ mặt đất lớn nhất của NATO.

Quy mô của lực lượng tham gia tập trận đã nhanh chóng tăng lên, với sự tham gia của tới 2.200 binh sĩ và hơn 800 phương tiện đến từ 13 quốc gia.

Trước cuộc tập trận lần này, Mỹ đã lần đầu tiên triển khai các hệ thống tên lửa tầm xa Patriot ở Lithuania, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết.

Tên lửa Patriot cũng đã được triển khai cùng các hệ thống phòng không khác của các nước thành viên NATO.

Bình luận về sự kiện Mỹ triển khai thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở biên giới của Nga, ông Andrei Koshkin – một nhà phân tích quân sự và người đứng đầu Cơ quan Khoa học Chính trị và Xã hội học thuộc trường Đại học Kinh tế Plekhanov của Nga, cho rằng, hệ thống Patriot sẽ được để lại ở Lithuania sau khi cuộc tập trận kết thúc.

"Mỹ muốn triển khai những hệ thống này ở các quốc gia Baltic, Ba Lan và Rumani. Vì thế, tất cả mọi việc đều đang diễn ra theo đúng kế hoạch của họ. Những cuộc tập trận đó là một phần của kế hoạch triển khai các tổ hợp phòng thủ tên lửa. Kết quả, sẽ có cái gọi là hàng rào tên lửa vây quanh các đường biên giới của Nga. Nỗ lực này là một phần của kế hoạch hiện đại hóa một cách nghiêm túc các cơ sở hạ tầng của NATO – một hệ thống được dịch chuyển ngày càng gần với Nga”, ông Koshkin cho tờ Spunik biết.

Nhà phân tích quân sự Nga nhấn mạnh Châu Âu sẵn sàng cho kế hoạch hiện đại hóa quân sự nói trên nhưng muốn Washington phải trả hóa đơn. Thụy Điển cũng tuyên bố sẵn sàng cho kế hoạch triển khai các hệ thống phòng không trên lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, phía Mỹ không muốn triển khai miễn phí các hệ thống tên lửa của họ trên lãnh thổ của những nước khác.

"Tổng thống Donald Trump đã nói rất rõ ràng rằng, những nước đó nên mua tên lửa của Mỹ và Mỹ sẽ bảo đảm cho hoạt động chất lược cao của các tên lửa này. Tôi chắc rằng Mỹ sẽ gây áp lực để các nước nằm ở biên giới Nga phải triển khai một loạt hệ thống tên lửa nhằm dựng lên một hàng rào không kẽ hở và đáng chú ý là các nước đó phải tự mình gánh chịu chi phí. Mỹ không có ý định miễn phí”, ông Koshikin kết luận.

Patriot là hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tầm xa được nhiều "ông lớn" về quân sự trên thế giới ưa chuộng. Hệ thống tên lửa này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.

Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70 - 160 km, trần bắn cao nhất lên đến 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tương đương gần 6.200 km/h. Sở hữu hệ thống radar theo dõi giai đoạn để đánh chặn mục tiêu có hiệu suất cao cùng với những tên lửa thông minh, Patriot có khả năng cùng một lúc nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau, liên tục theo sát được tối đa 8 mục tiêu.

Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất. Từ đó các sĩ quan điều khiển sẽ tính toán và vạch hướng tấn công gửi trở lại cho các tên lửa thực hiện.

Những thế hệ tên lửa dẫn đường của Patriot đã được cải tiến rất nhiều từ khi ra đời với những mục đích sử dụng cũng được thay thế. Thế hệ mới nhất của các tên lửa dẫn đường là PAC-3, với nhiều cải tiến về kĩ thuật cũng như hình dáng để đối phó với các tên lửa chiến thuật và máy bay ngày càng hiện đại, tinh vi hơn.

Những động thái quân sự của Mỹ và NATO xung quanh Nga diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc