Trung Quốc bất ngờ tung hỏa lực mù mịt ở biên giới

09:17, 18/07/2017
|

(VnMedia) - Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) hồi cuối tuần vừa rồi đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật, mô phỏng theo những điều kiện chiến đấu thực sự, ở khu vực Tây Tạng. Đây là nơi các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng vì cuộc tranh chấp ở Sikkim.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoảng 4.000 đến 7.000 binh lính Trung Quốc được trang bị vũ khí tấn công vác vai cùng một loạt vũ khí hạng nhẹ khác đã tiến hành diễn tập cuộc tấn công vào “một cứ điểm của kẻ thù”, Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam hôm qua (17/7) đưa tin. Các binh sĩ Trung Quốc đã diễn tập cả bài tập huy động lực lượng xung quanh một chiến trường, phối hợp tấn công mạng và tấn công kẻ thù giả định ở khu vực cao nguyên rộng 5.000 mét, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam cho biết thêm.

Cuộc tập trận “bao gồm hơn một chục bài diễn tập là minh chứng cho thấy năng lực tấn công tổng hợp của PLA”, đài truyền hình CCTV của Trung Quốc đã bình luận như vậy.

Động thái quân sự nói trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang leo thang căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới. Bắc Kinh và New Dehli cáo buộc lẫn nhau về những vụ xâm nhập vào Sikkim. Các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu nhau nhiều lần ở khu vực này kể từ ngày 16/6.

Bắc Kinh hy vọng sẽ thể hiện “cho các đối tác Ấn Độ thấy Trung Quốc có thể dễ dàng chế ngự đối thủ”, nhà phân tích Zhou Chenming cho biết. Theo lời ông Zhou, cách thể hiện sức mạnh này là để giảm nguy cơ bùng nổ xung đột lớn hơn.

Cuộc tập trận hồi cuối tuần của Trung Quốc còn được cho là nhằm để đáp trả một cuộc tập trận rầm rộ gần đây giữa Ấn Độ với Mỹ và Nhật Bản.

Nhóm tàu sân bay tấn công thiện chiến US Nimitz của Mỹ hồi tuần trước đã đến Ấn Độ để tham gia cuộc tập trận Malabar 2017 với Hải quân Ấn Độ và Nhật Bản. Đây là màn phô trương sức mạnh nhằm thẳng vào Trung Quốc. Chuẩn Đô đốc William Byrne của Hải quân Mỹ đã không ngần ngại tuyên bố, cuộc tập trận Malabar 2017 là “một thông điệp chiến lược được gửi đến Trung Quốc”. Cuộc tập trận bao gồm những bài diễn tập cả trên biển và trên bờ, tập trung vào các kỹ năng chiến tranh ở cấp cao, diễn tập giành ưu thế và phát huy sức mạnh.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành các cuộc hội đàm song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, hồi đầu tháng này. Cả hai nhà lãnh đạo đều tuyên bố đã thảo luận về một loạt vấn đề và cuộc đối đầu giữa quân đội hai nước Trung-Ấn ở khu vực Sikkim chắc chắn là một trong những chủ đề được ưu tiên. Căng thẳng ở khu vực này đã dịu đi sau cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, “cuộc tranh chấp giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Ấn Độ có rất nhiều khía cạnh”, giáo sư trường Đại học Jawaharlal Nehru – ông Srikanth Kondapalli nhận định. Cũng theo vị chuyên gia này, Bắc Kinh đang quan ngại sâu sắc với “mối quan hệ liên minh ngày càng được thắt chặt giữa Mỹ và Ấn Độ”.

Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã được cải thiện trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, tranh chấp xung quanh đường biên giới dài 4.057km giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới.

Ngoài ra, cũng như các cường quốc lớn khác, New Delhi lo ngại về tham vọng vươn xa của Trung Quốc sau khi nước này bắt đầu có những bước đi ngày một lấn tới trong tranh chấp ở Biển Đông. Ấn Độ tin rằng, Bắc Kinh cũng đang nhòm ngó khu vực Ấn Độ Dương.

Cuộc đối đầu giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ có liên quan đến cuộc đua tranh giành ảnh hưởng trong khu vực của hai cường quốc hàng đầu Châu Á này.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc