Bắn hỏa lực mù mịt suốt 11 giờ, Trung Quốc không đe được đối thủ khó chơi?

09:43, 19/07/2017
|

(VnMedia) - Trung Quốc tiếp tục lên tiếng kêu gọi Ấn Độ rút quân ra khỏi khu vực tranh chấp ở rặng núi Himalaya nhằm tránh “leo thang căng thẳng”. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật phô diễn sức mạnh kéo dài suốt 11 giờ đồng hồ trong khu vực.

Quân đội Ấn Độ
Binh sĩ Ấn Độ

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày hôm qua (18/7), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang đã kêu gọi Ấn Độ rút khỏi khu vực tranh chấp nằm ở gần các đường biên giới của Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.

"Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng, chúng tôi hy vọng phía New Delhi sẽ hiểu rõ tình hình hiện nay và ngay lập tức thực hiện các biện pháp nhằm rút lực lượng xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực trở về lại phía biên giới của Ấn Độ”, ông Lu đã nói như vậy.

Vị phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói thêm rằng, New Delhi phải rút quân trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào được mở ra về cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay giữa hai nước.

Trung Quốc và Ấn Độ đang mắc kẹt trong một cuộc đối đầu căng thẳng ở khu vực tranh chấp nằm tiếp giáp với biên giới ba nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Cuộc tranh chấp này đã kéo dài nhiều thập kỷ.

Căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh leo thang kể từ ngày 16/6 sau khi các lực lượng Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng một con đường ở Cao nguyên tranh chấp Doklam – một khu vực mà Ấn Độ khẳng định là thuộc lãnh thổ của Bhutan.

Bhutan đã phản ứng lại với diễn biến trên bằng lời đề nghị Ấn Độ giúp đỡ họ. New Delhi đã ngay lập tức phái quân đến khu vực biên giới.

New Delhi cũng cảnh báo Bắc Kinh rằng, con đường mà Trung Quốc đang xây dựng gây ra “mối quan ngại sâu sắc về an ninh” bởi nó sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận với “Cổ Gà” - một dải đất hẹp chiến lược nối 7 bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của nước này, NDTV đưa tin.

Việc Ấn Độ triển khai quân đến khu vực đã khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh liên tiếp đe dọa sẽ chặn một con đường núi gần đó. Đây là con đường mà những người hành hương Ấn Độ thường dùng để tới Núi Kailash – một địa điểm Phật giáo và đạo Hindu thiêng liêng ở Tây Tạng.

Những phát biểu trên của phát ngôn viên Lu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc vừa phát động một cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài đến 11 giờ đồng hồ ở Tây Tạng, gần khu vực tranh chấp. Cuộc tập trận này có sự tham gia của một lữ đoàn được trang bị bệ phóng tên lửa, súng máy hạng nặng và súng cối. Trong các bài diễn tập có màn truy tìm và ngắm mục tiêu vào “các máy bay của kẻ thù”.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã tăng cường lực lượng đến khu vực từ tháng trước. Mỗi bên được cho là đều đưa đến biên giới thêm 3.000 quân.

Các binh sĩ được triển khai ở khu vực đối đầu thường không mang vũ khí để tránh tình trạng leo thang quân sự. Tuy nhiên, lực lượng hai bên thỉnh thoảng đụng độ với nhau kiểu xô đẩy, dùng tay chân, nhằm buộc đối thủ lùi về phía biên giới của họ.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc cho rằng, Ấn Độ đang triển khai đến 200.000 quân ở các khu vực tranh chấp với Bắc Kinh, vượt số lượng quân của Trung Quốc từ 15 đến 20 lần.

Quan hệ giữa hai cường quốc lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương - Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài dai dẳng suốt nhiều thập kỷ. Mặc dù quan hệ Trung-Ấn đã được cải thiện trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, tranh chấp xung quanh đường biên giới dài 4.057km giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới.

Ngoài ra, cũng như các cường quốc lớn khác, New Delhi lo ngại về tham vọng vươn xa của Trung Quốc sau khi nước này bắt đầu có những bước đi ngày một lấn tới trong tranh chấp ở Biển Đông. Ấn Độ tin rằng, Bắc Kinh cũng đang nhòm ngó khu vực Ấn Độ Dương.

Cuộc đối đầu giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ còn có liên quan đến cuộc đua tranh giành ảnh hưởng trong khu vực của hai cường quốc hàng đầu Châu Á này. Bắc Kinh không tránh khỏi cảm giác lo ngại khi New Delhi đang thắt chặt quan hệ với Mỹ và Nhật Bản - hai đối thủ hàng đầu của Trung Quốc.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc