Mỹ bất ngờ ra đòn, Nga phẫn nộ thề "phản công"

07:35, 15/06/2017
|

(VnMedia) - Moscow sẽ không ngồi yên mà không phản ứng gì trước việc Mỹ tiếp tục tung đòn nhằm vào Nga, một nghị sĩ cấp cao của Nga hôm qua (14/6) đã tuyên bố đầy thách thức như vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thượng viện Mỹ trước đó cùng ngày đã thông qua với số phiếu áp đảo một dự luật trong đó sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và giới hạn khả năng của Tổng thống Mỹ trong việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

"Chúng tôi sẽ cần phải đợi quyết định cuối cùng của Quốc hội Mỹ và chờ xem phản ứng của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, nếu dự luật được thông qua, chúng tôi sẽ không ngồi yên mà không có câu trả lời”, ông Vladimir Dzhabarov – Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Các Vấn đề Quốc tế thuộc Thượng viện Nga, cho biết.

Dự luật trừng phạt Nga đã được Thượng viện Mỹ thông qua ngày hôm qua với số phiếu ủng hộ là 97 và chỉ có 2 phiếu chống. Tuy vậy, dự luật này vẫn cần sự phê chuẩn của Hạ viện trước khi nó được đưa đến trước bàn của Tổng thống Trump.

Hai thượng nghị sĩ Rand Paul và Mike Lee – đều của Đảng Cộng hòa là những thượng nghị sĩ duy nhất bỏ phiếu nói “không” với dự luật nói trên.

Dự luật về việc mở rộng trừng phạt Nga được đưa ra trong bối cảnh nhiều quan chức Mỹ lo ngại về viễn cảnh Tổng thống Trump sẽ tiến hành các bước đi nhằm khôi phục quan hệ song phương Nga-Mỹ.

Kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền, nhiều người đã hy vọng vào một mối quan hệ được cải thiện giữa Nga và Mỹ bởi ông Trump được cho là có cái nhìn khá tích cực về Nga cũng như Tổng thống Putin. Chính quyền của ông Trump cũng liên tục phát đi tín hiệu thể hiện mong muốn khôi phục lại quan hệ Nga-Mỹ.

Tuy nhiên, có vẻ như mong muốn của ông Trump đang phải đối mặt với thách thức lớn, chủ yếu đến từ sự phản đối của nhiều quan chức ở Mỹ. Tổng thống Trump là vị quan chức hiếm hoi của Mỹ muốn khôi phục quan hệ song phương với Nga.

Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì một loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng ở Syria, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bầu cử Mỹ, tấn công mạng, cắt giảm vũ khí hạt nhân...

Mỹ cùng các nước đồng minh phương Tây đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, gây tổn thất nặng nề cho Nga.

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu từ năm 2014 đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Bất chấp thực tế trên, đến nay cả Mỹ và EU vẫn chưa chịu từ bỏ chính sách trừng phạt Nga dù có không ít thành viên của liên minh phương Tây lên tiếng kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga để tránh gây tổn thương cho cả hai bên.

Về phần mình, Nga cũng tỏ ra cứng rắn, quyết không lùi bước trong vấn đề Ukraine. Moscow nhiều lần tuyên bố, chính sách trừng phạt Nga sẽ không có tác dụng và rằng nó chỉ làm cho Nga mạnh lên dù có phải hứng chịu tổn thất.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc