Hứng đòn đau, Nga giáng trả mạnh hơn

11:25, 30/06/2017
|

(VnMedia) - Chính phủ Nga muốn gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp trả đũa Liên minh Châu Âu (EU) cho đến cuối năm 2018, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua (29/6) tuyên bố. Như vậy, thời gian Nga thực thi đòn đáp trả EU sẽ kéo dài hơn so với thời gian EU thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Tổng thống Putin (bên phải) và Thủ tướng Medvedev
Tổng thống Putin (bên phải) và Thủ tướng Medvedev

Tuyên bố trên được đưa ra đúng một ngày sau khi EU quyết định kéo dài thời gian theo đuổi chính sách trừng phạt Nga cho đến cuối tháng Một năm 2018.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ phản ứng một cách tương xứng. Ngày hôm qua, chúng tôi đã bàn bạc vấn đề đó với Tổng thống Vladimir Putin và chính phủ sẽ trình đề xuất kéo dài lệnh cấm thêm một năm nữa – cho đến ngày 31/12/2018”, Thủ tướng Medvedev hôm qua cho biết trong một cuộc họp nội các.

Ông Medvedev đã bày tỏ sự lấy làm tiếc trước việc “các đối tác Châu Âu tiếp tục theo đuổi con đường không mang tính xây dựng này” đối với Nga.

Trước đó, hôm 28/6, EU đã chính thức ra quyết định tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt hà khắc về kinh tế nhằm vào Nga thêm 6 tháng nữa với lý do Moscow vẫn không tuân theo các cam kết đưa ra trong thỏa thuận Minsk. Từ tuần trước, giới lãnh đạo EU đã xác nhận quyết định của họ về việc tiếp tục duy trì chính sách trừng phạt Nga. Và ngày 28/6, Hội đồng Châu Âu đã chính thức hóa quyết định trên bằng văn bản.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Điện Kremlin đã áp dụng lệnh cấm vận đối với các mặt hàng nông sản, lương thực và nguyên liệu thô của EU. Kể từ đó đến nay, hai bên tiếp tục mở rộng và kéo dài chính sách trừng phạt lẫn nhau. Kết quả là cả Nga và EU đều bị tổn thất bởi cuộc chiến trừng phạt dai dẳng chưa có hồi kết nói trên.

Moscow cảnh cáo, họ chỉ dỡ bỏ các biện pháp trả đũa của mình khi EU rút lại các biện pháp trừng phạt.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc