Động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao đánh dấu rạn nứt tồi tệ nhất nhiều năm qua giữa các quốc gia quyền lực nhất trong thế giới Ả-rập.
Động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao đánh dấu một vết rạn nứt tồi tệ nhất trong nhiều năm qua giữa các quốc gia quyền lực nhất trong thế giới Ả-rập.
Saudi Arabia, Ai Cập, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Bahrain và theo sau là Yemen và Libya đã cắt quan hệ với Qatar vào hôm thứ Hai ngày 5/6 với cáo buộc Qatar đã ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao
Hành động này được cho là leo thang từ tranh cãi về sự ủng hộ của Qatar đối với nhóm Huynh đệ Hồi giáo (MB) - phong trào Hồi giáo lâu đời nhất của thế giới, cùng với những cáo buộc rằng Doha thậm chí đã ủng hộ chương trình nghị sự của cường quốc đối thủ Iran trong khu vực.
Thông báo cắt mối quan hệ ngoại giao với Qatar, ba quốc gia vùng Vịnh yêu cầu các du khách và công dân Qatar có hai tuần để rời khỏi nước họ. Qatar cũng bị trục xuất khỏi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen.
Các hậu quả xáo trộn kinh tế diễn ra ngay lập tức, khi hãng hàng không Etihad Airways có trụ sở tại Abu Dhabi, UAE cho biết sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Doha từ sáng ngày 6/6 cho đến khi có thông báo mới.
Siêu cường dầu mỏ khổng lồ Saudi Arabia đã cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm chiến binh khủng bố và truyền bá ý thức hệ của họ, động thái ám chỉ tới kênh thông tin quốc gia có ảnh hưởng của Qatar là al Jazeera.
"(Qatar) ủng hộ nhiều nhóm khủng bố và các bè phái khác nhau nhằm gây mất ổn định trong khu vực, bao gồm các nhóm như MB, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), và al-Qaeda, cũng như truyền bá liên tục thông điệp và ý đồ của các nhóm này thông qua phương tiện truyền thông của họ", hãng tin nhà nước của Saudi SPA cho biết.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, cùng với các đồng minh của chính phủ mới ở Saudi Arabia và UAE, đã liệt nhóm MB vào danh sách tổ chức khủng bố.
Tuyên bố này cũng cáo buộc Qatar ủng hộ điều họ cho là những lực lượng được Iran hậu thuẫn tại khu vực đông người Hồi giáo Shiite ở Qatif và Bahrain.
Ai Cập, quốc gia đông dân nhất của thế giới Ảrập cũng cho hay chính sách của Qatar "đe dọa an ninh của các quốc gia Ả Rập và gieo rắc xung đột và chia rẽ trong xã hội Ả Rập theo một kế hoạch có chủ ý."
Còn chính phủ được quốc tế công nhận tại Yemen tuyên bố cắt quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này đã bắt tay với kẻ thù của họ là lực lượng Houthi – được cho là do Iran hậu thuẫn, hãng tin Yemen Saba cho biết.
Giá dầu tăng sau động thái nhằm vào Qatar, nhà cung cấp lớn nhất thế giới về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và là một nhà xuất khẩu condensate lớn - một loại nhiên liệu lỏng có nguồn gốc từ khí tự nhiên.
Về phần mình, Qatar cho biết, họ đang đối mặt với một chiến dịch dối trá và ngụy tạo nhằm đặt nước này vào vòng giám hộ. Với tư cách là thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Qatar cũng cho biết đã cam kết tuân thủ điều lệ, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và không can thiệp vào công việc của họ.
Truyền hình al Jazeera TV trích dẫn các nguồn tin ngoại giao Qatar nói, “những hành động này là không có căn cứ và dựa trên những tuyên bố và cáo buộc không có cơ sở trên thực tế”. Qatar cũng cho biết diễn biến trên sẽ "không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân và công dân của họ".
Câu hỏi khó về World Cup và căn cứ quân sự Mỹ
Các hành động lần này cho thấy sự nghiêm trọng hơn so với khoảng thời gian 8 tháng hồi năm 2014, khi Saudi Arabia, Bahrain và UAE rút Đại sứ của họ khỏi Doha – cũng với cáo buộc Quatar ủng hộ các lực lượng khủng bố. Vào thời điểm đó, hoạt động du lịch vẫn được duy trì và các công dân Qatar không bị trục xuất.
Reuters nhận định, sự chia rẽ giữa Doha và các đồng minh thân cận có thể dấy lên những hậu quả khó lường tại Trung Đông, nơi các quốc gia vùng Vịnh đã sử dụng quyền lực chính trị và tài chính để gây ảnh hưởng đến nhiều diễn biến ở Libya, Ai Cập, Syria, Iqra và Yemen.
Sự mở rộng của động thái tẩy chay ngoại giao lần này cũng đe dọa tới uy tín quốc tế của Qatar – nơi có một căn cứ quân sự lớn của Mỹ và sắp đăng cai World Cup 2022. Từ nhiều năm nay, Qatar đã tự thể hiện mình như là một bên trung gian hòa giải và là nhà môi giới quyền lực cho nhiều tranh chấp khu vực.
Kristian Ulrichsen, một chuyên gia vùng Vịnh tại Viện Baker của Mỹ nói rằng nếu biên giới đất liền và không phận của Qatar bị đóng cửa trong bất kỳ khoảng thời gian nào thì "động thái này sẽ phá hỏng lịch trình và hoạt động" của World Cup.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson ngày 5/6 đã nói với các phóng viên ở Sydney rằng, diễn biến này sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lại các lực lượng Hồi giáo cực đoan, và Washington khuyến khích các đồng minh vùng Vịnh giải quyết những khác biệt của họ.
Căng thẳng bất ngờ trên tại Trung Đông diễn ra sau 10 ngày Tổng thống Donald Trump tới Riyadh để kêu gọi các nước Hồi giáo đoàn kết chống lại các phần tử cực đoan và chỉ trích Iran là một nhà tài trợ chính và ủng hộ cho các nhóm chiến binh.
"Có vẻ như Saudi và Emirate cảm thấy được khuyến khích vì sự liên kết lợi ích khu vực của họ, về vấn đề Iran và Hồi giáo cực đoan, - với chính quyền Trump", Kristian Ulrichsen, một chuyên gia về vùng Vịnh của Viện Baker nói.
Theo Tổ quốc
Ý kiến bạn đọc