Nga ngạo nghễ vượt qua thế trận bao vây của phương Tây

06:55, 23/05/2017
|

(VnMedia) - GDP của Nga đã tăng 0,5% trong quý đầu của năm 2017, Cơ quan Thống kê Nhà nước của Nga (Rosstat) hồi tuần trước đã thông báo như vậy. Mức tăng trưởng trên cho thấy Nga đang dần dần phục hồi và vươn lên thoát khỏi “thế trận” mà phương Tây lập ra để bao vây, cô lập cường quốc Đông Âu vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lần đầu tiên kinh tế Nga tăng trưởng trở lại sau hai năm là vào quý 4 năm 2016. Khi đó, theo báo cáo của cơ quan Rosstat, GDP của Nga tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Bức tranh ở đây cho thấy sự khôi phục tuy chậm nhưng chắc chắn”, ông Neil Shearing – nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về thị trường mới nổi thuộc Capital Economics, cho biết. "Quan điểm của chúng tôi là sự tăng trưởng của Nga sẽ tiếp tục nhích dần lên trên những tháng và quý sắp tới khi tình trạng lạm phát giảm và chính sách nới lỏng tiền tệ giúp kích cầu”, ông Shearing nhận định.

Nền kinh tế Nga đã cho thấy những dấu hiệu ổn định và khôi phục trở lại trong những tháng gần đây sau khi trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì chính sách trừng phạt của phương Tây.

Chính phủ Nga hy vọng sự tăng trưởng sẽ tiếp tục và sẽ đạt 2% trong năm nay.

Kế hoạch hành động của chính phủ Nga cho đến năm 2025 đã đặt ra mục tiêu nền kinh tế Nga đạt mức độ tăng trưởng vượt mức trung bình của thế giới trong giai đoạn từ 2019-2020, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết như vậy trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mỹ và EU đổ lỗi cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu từ năm 2014 đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Nền kinh tế của Nga đã tổn thất nặng nề và lao đao trước chiến dịch trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Moscow vẫn tỏ ra cứng rắn, quyết không lùi bước trong vấn đề Ukraine. Moscow nhiều lần tuyên bố, chính sách trừng phạt Nga sẽ không có tác dụng và rằng nó chỉ làm cho Nga mạnh lên dù có phải hứng chịu tổn thất. Có vẻ như điều này đang diễn ra đúng như vậy.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc