(VnMedia) - Các nhà lãnh đạo của 7 cường quốc mạnh hàng đầu thế giới đã đồng loạt thể hiện sự sẵn sàng trong việc tung ra những đòn trừng phạt thêm nữa để chống lại Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào tình hình Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin chắc chắn không khỏi thất vọng trước diễn biến này, bởi họ từng hy vọng Mỹ sẽ thay đổi lập trường trong chính sách trừng phạt Nga, từ đó phá vỡ thế trận chống Nga của phương Tây.
"Chúng tôi nhắc lại rằng, thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt có liên quan chặt chẽ đến việc Nga có thực hiện đầy đủ hay không cam kết mà họ đưa ra trong các thỏa thuận Minsk và có tôn trọng chủ quyền của Ukraine hay không”, tuyên bố của nhóm nước G7 cho biết.
Kể từ năm 2014, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã bắt đầu áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Nga vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea và vì cáo buộc Moscow hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine, gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở quốc gia Đông Âu.
"Các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được dỡ bỏ khi Nga thực hiện đầy đủ các cam kết của họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng tung ra thêm nhiều đòn trừng phạt hơn nữa nếu cần để khiến Nga phải trả giá đắt hơn về hành động của họ”, tuyên bố của G7 cảnh báo.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo của 7 cường quốc mạnh hàng đầu thế giới (nhóm G7) tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Lời kêu gọi này được đưa ra chỉ một ngày sau khi một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Washington không có ý kiến gì về vấn đề này.
Trong khi giới lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) đến thời điểm này vẫn tiếp tục ủng hộ chính sách trừng phạt Nga cho đến khi thỏa thuận ngừng bắn mong manh được ký kết hồi tháng Hai năm 2015 ở Minsk được thực hiện đầy đủ thì Tổng thống Donald Trump lại từng hứa sẽ khôi phục quan hệ với Moscow. Điều này được xem là phép thử đối với mặt trận đoàn kết, thống nhất mà phương Tây lập ra để chống Nga.
"Giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể đạt được bằng việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk”, ông Tusk đã nói như vậy trước thềm cuộc họp với lãnh đạo của các nước Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italia, Nhật Bản và Canada. "Từ hội nghị thượng đỉnh G7 của chúng ta gần đây nhất tại Nhật Bản (năm 2016), chúng ta vẫn chưa chứng kiến bất kỳ diễn biến nào có thể tạo nên lý do cho chúng ta thay đổi chính sách trừng phạt Nga. Vì thế, tôi sẽ kêu gọi các nước trong G7 tiếp tục theo đuổi chính sách này”, ông Tusk nói.
Với tuyên bố vừa được đưa ra, G7 đã thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất trong lập trường về Nga. Mỹ đã dập tắt được nỗi lo ngại của các đồng minh Châu Âu khi không phá bỏ mặt trận chống Nga để khôi phục lại quan hệ với cường quốc Đông Âu.
Triển vọng khôi phục quan hệ Nga-Mỹ ngày càng mờ nhạt
Việc Mỹ ủng hộ lập trường của G7 trong việc tiếp tục kiên quyết theo đuổi chính sách trừng phạt Nga rõ ràng là đòn giáng vào hy vọng cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Quan hệ Nga-Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì một loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng ở Syria, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bầu cử Mỹ, tấn công mạng, cắt giảm vũ khí hạt nhân...
Tuy nhiên, với việc ông Donald Trump lên cầm quyền, nhiều người đã hy vọng vào một mối quan hệ được cải thiện giữa Nga và Mỹ bởi ông Trump được cho là có cái nhìn khá tích cực về Nga cũng như Tổng thống Putin. Chính quyền của ông Trump cũng liên tục phát đi tín hiệu thể hiện mong muốn khôi phục lại quan hệ Nga-Mỹ.
Trái với dự đoán về viễn cảnh cải thiện quan hệ Nga-Mỹ dưới thời ông Donald Trump, hai nước này đã bắt đầu có dấu hiệu đối địch nhau. Moscow và Washington tiếp tục đối đầu nhau gay gắt trong một loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng ở Syria, Ukraine, vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân….
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Nga như ông Trump từng nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc