(VnMedia) - Tướng John Hyten – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược của quân đội Mỹ, đã thừa nhận với các nghị sĩ nước này rằng, một tên lửa hành trình đơn lẻ được phóng đi từ mặt đất không phải là mối đe dọa lớn nhưng mọi thứ sẽ thay đổi nếu một loạt tên lửa như vậy được phóng đi.
Ảnh minh họa |
Mỹ và các đồng minh sẽ không thể “phòng thủ” được nếu Nga phóng đi một số lượng lớn loại tên lửa hành trình mà nước này vừa triển khai gần đây, vị tướng hàng đầu của Mỹ hôm qua (4/4) đã cảnh báo như vậy.
Washington trong thời gian qua liên tục cáo buộc Moscow triển khai một hệ thống tên lửa hành trình được phóng đi từ mặt đất, vi phạm thỏa thuận kiểm soát vũ khí được Nga và Mỹ ký kết năm 1987. Thỏa thuận này còn được biết đến với tên gọi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Tướng Hyten hôm qua đã nói với các nghị sĩ Mỹ rằng, một tên lửa hành trình đơn lẻ được phóng đi từ mặt đất không phải là mối đe dọa lớn nhưng mọi thứ sẽ thay đổi nếu một loạt tên lửa như vậy được phóng đi.
"Chúng ta không thể phòng vệ trước diễn biến đó, đặc biệt trong việc bảo vệ các đồng minh Châu Âu của chúng ta”, Tướng Hyten phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
"Hệ thống đó có tầm bắn và có thể đe dọa hầu hết đại lục Châu Âu, phụ thuộc vào vị trí nó được triển khai. ... Đó là một mối quan ngại và chúng tôi sẽ phải vạch ra phương án làm thế nào để đối phó với mối đe dọa đó", ông Hyten nói thêm.
Giới chức Mỹ không miêu tả loại tên lửa mà Nga triển khai gần như nhưng giới chuyên gia cho rằng, đó là tên lửa có thể dễ dàng được gắn một đầu đạn hạt nhân.
Washington đang sôi sục tức giận và tỏ ra lo ngại sâu sắc trước việc Moscow được cho là triển khai tên lửa bị cấm theo thỏa thuận INF.
Hồi tháng trước, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Tướng Paul Selva – Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, cũng đã cáo buộc Nga triển khai tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất, vi phạm “tinh thần và mục đích” của thỏa thuận vũ khí hạt nhân INF. Vị quan chức quân sự này còn cáo buộc Moscow có ý định đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Châu Âu cũng như liên minh NATO thông qua động thái triển khai tên lửa này.
Ông Selva khi đó phát biểu, ông không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ Moscow có ý định quay trở lại tuân thủ Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung được ký kết năm 1987. Thỏa thuận này cấm triển khai tất cả các loại tên lửa hành trình mặt đất tầm trung có tầm bắn từ khoảng 500 đến 5.500km. Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung là một cột mốc trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân trong những năm cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Trên thực tế, chính quyền của ông Obama đã từng cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung nhưng cáo buộc của ông Selva là lời xác nhận công khai đầu tiên của chính quyền Mỹ về việc Nga đã triển khai tên lửa hành trình có khả năng hạt nhân.
Tờ New York Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về hoạt động triển khai tên lửa của Nga.
Giới nghị sĩ Mỹ đang bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động triển khai tên lửa của Nga. Thượng nghị sĩ John McCain – Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, hồi tháng Hai đã lên tiếng kêu gọi chính quyền của ông Trump hãy đảm bảo rằng lực lượng hạt nhân của Mỹ ở Châu Âu được đưa vào tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Về phần mình, Nga tuyên bố không vi phạm hiệp ước INF đồng thời tố cáo ngược lại rằng, chính Mỹ mới là bên đang vi phạm thỏa thuận này.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc