(VnMedia) - Mỹ đang theo đuổi mục tiêu giành sự thống trị chiến lược toàn cầu thông qua việc phát hiện các hệ thống tên lửa chống đạn đạo có khả năng tấn công bất ngờ và chớp nhoáng tước đi sức mạnh của Nga và Trung Quốc. Đây là phát biểu vừa được Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga đưa ra.
Có một sự liên quan rõ ràng giữa sáng kiến đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Washington với hoạt động triển khai một loạt hệ thống phóng tên lửa ở Châu Âu và trên các tàu chiến được dàn khắp trên toàn cầu, Trung tướng Viktor Poznikhir cho biết tại cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua (26/4). Đòn tấn công nhanh toàn cầu (Prompt Global Strike-PGS), còn gọi là đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu, là sáng kiến của quân đội Mỹ nhằm phát triển một hệ thống vũ khí cho phép thực hiện đòn tấn công bằng vũ khí thông thường vào bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng 1 giờ sau khi lệnh tấn công được phát đi.
“Sự hiện diện của các căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Châu Âu, các tàu chiến có hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và đại dương gần với Nga tạo ra một tổ hợp tấn công ngầm cực mạnh có khả năng thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa hạt nhân nhằm vào Liên bang Nga”, ông Poznikhir giải thích.
Trong khi Mỹ tiếp tục nhắc đi nhắc lại rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của họ được thiết lập là nhằm để giảm thiểu mối đe dọa từ các nước “ma quỷ” (Iran, Triều Tiên) thì kết quả của những phân tích mô hình hóa trên máy tính xác nhận hoạt động bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc nhằm trực tiếp vào Nga và Trung Quốc, Trung tướng Poznikhir nhận định.
Theo phân tích của vị Tướng Nga, các hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Mỹ bao phủ toàn bộ đường đi có thể của tên lửa đạn đạo của Nga hướng về phía Mỹ và những hệ thống đó được cho là sẽ chỉ ngày càng tối tân hơn khi có những vệ tinh ở quỹ đạo thấp bổ trợ thêm cho các hệ thống radar hiện hành.
“Sở hữu khả năng tấn công bất ngờ nhằm tước đi sức mạnh của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và Trung Quốc sẽ giúp tăng đáng kể tính hiệu quả cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”, ông Poznikhir nói thêm.
Các hệ thống tên lửa chống đạn đạo của Mỹ không chỉ tạo ra “ảo tưởng” về sự an toàn trước một cuộc tấn công đáp trả mà chính chúng còn có thể được sử dụng để phát động một cuộc tấn công hạt nhân lén lút nhằm vào Nga.
Trong một hành động vi phạm trắng trợn Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, hệ thống phóng tên lửa tiêu chuẩn từ mặt đất của Mỹ có thể được bí mật trang bị những tên lửa hành trình Tomahawk thay vì những tên lửa đánh chặn. Mặc dù Lầu Năm Góc phủ nhận thực tế trên nhưng những lập luận của họ “cực kỳ không thuyết phục”, ông Poznikhir nói.
Hơn nữa, việc Washington đơn phương rút ra khỏi Hiệp ước Tên lửa Chống Đạn đạo được ký với Liên Xô năm 1972 cho phép nước này phát triển những vũ khí tối tân hơn để không chỉ gây ra mối đe dọa cho các mục tiêu trên mặt đất mà cả trên vũ trụ.
Moscow từ lâu đã luôn cảm thấy khó chịu và bất an trước việc Mỹ có kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu. Washington khẳng định, hệ thống đó là nhằm để ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran nhưng Moscow không tin vào lời khẳng định đó. Nga cho rằng, hệ thống lá chắn tên lửa đó là nhằm vào họ. Sự nghi ngờ của Moscow càng tăng lên sau khi Washington nhất quyết không chịu cam kết bằng văn bản có tính ràng buộc về việc lá chắn tên lửa của họ ở Châu Âu không nhằm chống lại Nga.
Vấn đề lá chắn tên lửa đã trở thành một trong những cái dằm khó chịu nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc Nga, Mỹ. Moscow từng nhiều lần đe dọa sẽ “tung” các loại vũ khí có thể vô hiệu hóa lá chắn tên lửa Mỹ.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc