Khi căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, một cựu chiến binh Hàn Quốc đã kể lại công việc và cuộc sống ở một trong những đường biên giới kiên cố nhất thế giới.
Trong số 130.000 lính Hàn Quốc nhập ngũ mỗi năm, chỉ có một số ít tận mắt nhìn thấy binh lính Triều Tiên. Đó là những người đóng quân tại vùng biên giới "khu phi quân sự" phân cách hai miền bán đảo Triều Tiên.
Khu vực này thường được gọi là DMZ, là một trong những biên giới kiên cố nhất trên thế giới, theo North Korean News. Nó cách ly hai quốc gia về lý thuyết vẫn còn trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1953, chưa thực sự hòa bình. Đường biên Triều Tiên-Hàn Quốc cũng là một điểm thu hút khách du lịch với hàng ngàn người đến thăm mỗi năm.
Căng thẳng dọc biên giới gia tăng kể từ khi hai sĩ quan Hàn Quốc bị thương nặng do mìn nổ vào tháng 8 năm ngoái. Seoul ngay lập tức đổ lỗi cho Bình Nhưỡng, nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc này.
Tuần tra
Đối với Shin Yong-tae, một cựu chiến binh Hàn Quốc từng tuần tra gần biên giới Triều Tiên, mối đe dọa từ mìn luôn hiện hữu.
"Mỗi khi nghe thấy một tiếng động nhỏ dưới giày, tôi có thể thấy rõ mình đang lạnh sống lưng", ông nói, kể lại một lần suýt giẫm phải mìn khi tuần tra.
Lúc đó, Shin nói với đồng nghiệp: "Tôi nghĩ tôi đã bước vào mìn". Họ ngay lập tức chạy xa, bỏ ông lại một mình.
"Tôi thậm chí không thể hét lên vì công việc tuần tra thường xuyên của chúng tôi phải được thực hiện trong sự im lặng tuyệt đối," Shin nói.
Sau đó, sĩ quan phụ trách đến gần Shin với một con dao và cẩn thận đào xuống đất dưới chân Shin, để lộ ra Shin đang giẫm vào một vỏ lon bằng thiếc.
"Đúng vậy, tôi đã bị chế giễu sau đó, nhưng tất cả chúng ta đều biết chuyện này có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng tôi vào bất cứ lúc nào", Shin nói.
Các vụ nổ thường xuyên được nghe thấy vào nửa đêm, thường là do các con vật nhỏ giẫm vào mìn. Đây là lời nhắc nhở liên tục về sự nguy hiểm, theo cựu lính Hàn Quốc.
Thời tiết lạnh âm độ
Bởi vì vùng biên giới được cho là "vùng phi quân sự", những người lính được điều động đến đây cũng phải có lý do “chính đáng”.
"Những người tuần tra đều được phát miếng dán ở ngực viết “cảnh sát DMZ” và một băng tay viết “cảnh sát quân đội”, Shin kể.
"Chừng nào chúng tôi còn đeo băng tay trước khi vào DMZ, cho dù chúng tôi có trang bị vũ khí gì, chúng tôi cũng chỉ là “cảnh sát vũ trang” chứ không phải là “quân đội vũ trang”.
Đó là một công việc với nhiều nguy hiểm không chỉ từ phía Triều Tiên. Thay vì có bốn mùa trong năm, ở DMZ chỉ có ba: "Mùa hè nóng, mùa đông lạnh giá và đại băng hà khi mọi thứ đóng băng", Shin nói.
Shin và đồng đội phải chịu đựng nhiệt độ thấp hơn -19 độ C với gió thổi từ phía Bắc. Shin cho biết: "Gió mạnh đến nỗi có thể thổi bay người xung quanh. Hầu hết đồn tiền tuyến đều nằm trên đỉnh núi, đối mặt trực tiếp với gió."
Huấn luyện
Lính Hàn Quốc tại DMZ phải trải qua huấn luyện khắt khe. Shin phải ghi nhớ tất cả các dòng trong hiệp ước đình chiến được đưa ra vào cuối chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Hiệp ước ngừng chiến phải được cả hai bên tôn trọng, "đó là lý do tại sao chúng tôi ghi nhớ nó trong những thời điểm nhạy cảm, ngay cả một sai lầm nhỏ cũng có thể rắc rối", ông nói.
Shin cũng phải biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của kẻ thù.
Lính Hàn Quốc được dạy về địa hình đồi núi, vũ khí của Triều Tiên và khả năng tiếp cận của họ. “Đây là những kiến thức giúp chúng tôi sống sót", ông nói.
Mặc cho điều kiện thời tiết khắc nghiệt và vị trí đồn xa xôi, điều kiện sống của lính Hàn Quốc vẫn còn tốt hơn các đồng nghiệp ở Triều Tiên, theo NK News.
"Phía nam DMZ được thắp sáng bằng đèn điện cao thế. Nhưng vào ban đêm, Triều Tiên chỉ chìm trong đêm tối. Tôi thậm chí không thể tưởng tượng họ có thể làm gì với ánh sáng ít ỏi đó”.
Sự chênh lệch trong điều kiện sống giữa hai bên biên giới chưa dừng lại ở đó.
"Chúng tôi được trang bị ống nhòm quân sự có thể phóng to lên đến 200 lần, và ống kính quang học để theo dõi bất kỳ hành động nào của Triều Tiên.
"Một ngày nọ, một chiếc xe tải đi xuống núi. Chúng tôi ghi lại hành động của họ, sử dụng ống nhòm quân sự của chúng tôi. Trong xe chở đầy khoai tây.
"Lính Triều Tiên hiếm khi di chuyển, ngay cả ban ngày. Nhưng họ đột nhiên xuất hiện và trèo lên xe tải như những con kiến đói”, Shin kể.
Đảo Yeonpyeong
Giống như những người lính trên toàn thế giới, Shin đã nghĩ đến viễn cảnh về cái chết khi làm nhiệm vụ. Ông có thể nhớ rõ ngày đó, vào năm 2010, khi pháo binh Triều Tiên bắn phá đảo Yeonpyeong, nơi có hơn 1.000 người Hàn Quốc.
"Tất cả chúng tôi đều cảnh giác cao độ", ông nói. "Chúng tôi ngủ khi vẫn mặc đồng phục và thiết bị đặt bên cạnh. Chúng tôi được nhận hai mẩu giấy để viết di chúc", Shin lúc đó mới 21 tuổi.
Họ luôn trong tình trạng cảnh giác suốt một tuần. Shin không thể tắm hay ăn một bữa ngon miệng, và phải tránh “đường dây lửa” của Triều Tiên.
Nhưng Shin không hề hối hận về thời gian phục vụ ở biên giới. "Hầu hết người Hàn Quốc chỉ nhìn thấy Triều Tiên hay người dân Triều Tiên qua TV", nhưng công việc này sẽ để lại cho bạn những kỷ niệm khó quên.
"Mặc cho các sự khác biệt, binh lính Triều Tiên cũng giống như chúng tôi: đều là con người", Shin nói.
Theo Dân Việt
Ý kiến bạn đọc