(VnMedia) - Các nguồn tin ngoại giao và nguồn tin từ Mỹ, Ai Cập cho biết, Nga dường như đã triển khai lực lượng đặc nhiệm đến một căn cứ không quân ở phía tây Ai Cập, gần biên giới với Libya trong những ngày gần đây. Thông tin này làm gia tăng lo ngại của Mỹ về việc Moscow đang nhăm nhe ý định tăng cường vai trò ở Libya sau khi đã thiết lập một chỗ đứng vững chắc, lấn át vai trò của Mỹ ở Syria.
Tin đồn đang rộ lên về việc Nga lặng lẽ đưa quân đặc nhiệm vào Ai Cập |
Giới chức ngoại giao và giới chức Mỹ cho rằng, bất kỳ hoạt động triển khai quân sự nào của Nga đến Ai Cập đều có thể là một phần của nỗ lực nhằm hậu thuẫn cho chỉ huy quân sự Khalifa Haftar của Libya. Ông Haftar vừa phải đối mặt với một thất bại lớn sau cuộc tấn công hôm 3/3 của Sư đoàn Phòng thủ Benghazi (BDB) vào các cơ sở dầu mỏ mà lực lượng của ông này đang nắm giữ.
Các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, họ đã phát hiện những động thái dường như là hoạt động triển khai quân đặc nhiệm và máy bay không người lái của Nga đến Sidi Barrani. Đây là nơi cách biên giới Ai Cập-Libya chỉ khoảng 100km.
Nguồn tin an ninh của Ai Cập thậm chí còn đưa thông tin chi tiết hơn, miêu tả một đơn vị đặc nhiệm gồm 22 thành viên của Nga đã lặng lẽ tiến vào nước này. Tuy nhiên, các nguồn tin từ chối không cho biết nhiệm vụ của đơn vị trên là gì. Nga còn được cho là đang sử dụng một căn cứ khác của Ai Cập ở phía đông, thuộc khu vực Marsa Matrouh từ hồi tháng Hai.
Thông tin về việc Nga triển khai quân và vũ khí đến Ai Cập chưa được xác minh về độ xác thực.
Nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, đã triển khai các lực lượng đặc nhiệm và cố vấn quân sự vào Libya trong hai năm qua. Quân đội Mỹ còn tiến hành các cuộc không kích nhằm hậu thuẫn cho Libya tiến hành chiến dịch đánh đuổi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra khỏi thành trì Sirte.
Những hoài nghi về vai trò của Nga ở Bắc Phi xuất hiện trùng thời điểm với thực tế Washington đang ngày càng quan ngại về ý định của Moscow đối với đất nước giàu dầu mỏ Libya. Libya đang trở thành một lãnh địa bất ổn, bị chia năm xẻ bảy sau chiến dịch năm 2011 được NATO hậu thuẫn nhằm lật đổ cố Lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Chính phủ được Liên Hợp Quốc ủng hộ ở Tripoli đang đối đầu với lực lượng của ông Haftar và Nga đã gặp gỡ cả hai bên trong những tháng gần đây. Moscow dường như chuẩn bị hậu thuẫn cho ông Haftar bất chấp việc Moscow đã khiến phương Tây nổi giận khi can thiệp vào Syria, ủng hộ cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Giới phân tích tin rằng, Nga đang cố thiết lập ảnh hưởng ở Libya trong khi Mỹ đang tìm cách ngăn cản điều này.
Thực hư tin Nga đưa quân vào Ai Cập
Phản ứng trước thông tin trên, Nga đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định nước này không hề đưa lực lượng đặc nhiệm và máy bay không người lái vào Ai Cập.
"Nga không làm điều đó. Bộ Quốc phòng Nga không xác nhận thông tin này. Đó là thông tin giả mạo mà chúng tôi chẳng cần để ý đến”, ông Vladimir Dzhabarov – Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga, cho biết.
Theo vị quan chức Nga, những tin đồn kiểu như vậy thực chất chỉ là một phần của cuộc chiến tuyên truyền “đang được phát động để chống lại tất cả mọi người”.
Những nguồn tin báo chí đăng tải về việc Nga triển khai quân đến Ai Cập là nhằm làm leo thang tình hình căng thẳng, Phó Chủ tịch Thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Andrei Krasov hôm nay (14/3) đã cáo buộc như vậy.
"Đó chắc chắn là thông tin giả mạo để làm leo thang tình hình. Chúng tôi luôn kiên định trong hành động của mình. Chúng tôi không giấu diếm bất kỳ điều gì. Chúng tôi luôn thông báo các bước đi và phối hợp hành động với chính phủ của các nước mà chúng tôi liên hệ, tiếp xúc”, ông Krasov nhấn mạnh.
Theo lời ông Krasov, thành công của Nga trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria đã khiến một số nước có cái cớ để tìm cách bôi nhọ Nga. “Tôi mong muốn các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi hãy chấm dứt tình trạng lần mò theo các dấu vết của Nga ở khắp nơi trong khi chính họ đang phá hủy một đất nước tuyệt vời và chẳng tạo dựng nên được thứ gì”, ông Krasnov gay gắt chỉ trích.
Bản thân Ai Cập cũng lên tiếng phủ nhận việc Nga đưa quân vào lãnh thổ của họ. "Không có bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào trên đất của Ai Cập. Đây là vấn đề thuộc chủ quyền”, phát ngôn viên của quân đội Ai Cập - ông Tamer al-Rifai tuyên bố.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc