(VnMedia) - Các nhà khoa học Nga sẽ triển khai chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên được thiết kế để phục vụ cho công cuộc khảo sát địa chấn và tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên dưới các lớp băng dày đặc ở Bắc Cực. Đó là thông tin vừa được Cơ quan Quản lý Dự án Nghiên cứu Cấp cao của Nga đưa ra hôm qua (29/3).
“Đó là một chiếc tàu ngầm hạt nhân, có thể triển khai robot nghiên cứu, các phương tiện hoạt động dưới nước tự động không người lái để thực hiện các chuyến khảo sát địa chấn và nghiên cứu các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới các lớp băng dày đặc ở Bắc Cực”, ông Viktor Litvinenko, giám đốc dự án trên cho hay.
Trước đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nga – ông Dmitry Bulgakov cho biết, một đơn vị quân đội sẽ được thành lập và đặt căn cứ tại ngôi làng Anderma nằm trên biển Kara của Nga ở Bắc cực trước năm 2020.
“Kế hoạch phát triển lực lượng ở Bắc cực đến năm 2020 của Nga sẽ bao gồm việc triển khai binh lính và đơn vị quân sự mới ở Anderma. Và ngay trong sáng nay, Bộ Quốc phòng đã đưa ra tuyên bố về vấn đề này khi mà mọi thứ đã được cân nhắc và chuẩn bị sẵn sàng”, ông Bulgakov cho hay.
Trong những năm qua, Nga đã tích cực đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế tại vùng lãnh thổ phía bắc của nước này, bao gồm các hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí trong bối cảnh NATO cũng đã tăng cường lợi ích tại khu vực. Với sự phát triển của các tuyến đường phía bắc, một con đường thương mại Á-Âu đã hình thành để phục vụ cho mọi hoạt động kinh tế và quân sự của Nga tại Bắc Cực.
Năm 2014, chính phủ Nga cũng từng công bố kế hoạch thành lập một cơ quan nhà nước mới tại Bắc Cực, nhằm nhanh chóng triển khai các chính sách kinh tế trong khu vực. Quân đội Nga cũng hình thành các đơn vị riêng biệt tại khu vực này, với mục đích tăng cường bảo vệ biên giới và ngăn chặn sự bành trướng của NATO, trong kế hoạch quân sự kiềm chế Nga của tổ chức do Mỹ dẫn đầu.
Tổ hợp quân sự thống nhất được điều hành bởi một tư lệnh và đóng quân tại Arkhangelsk, bao gồm Hạm đội Phương Bắc, 2 lữ đoàn Bắc Cực, các lực lượng không quân và đơn vị phòng không. Nhiều phương tiện chiến tranh và vũ khí hạng nặng cũng được vận chuyển đến Bắc Cực trong kế hoạch quốc phòng đối đầu với NATO của Moscow, trong đó có mặt tên lửa đánh chặn Mig-31, máy bay trực thăng chuyên dụng Mi-8, các đợn vị phòng không trên mặt đất Pantsir-S1.
Ngoài ra, Nga cũng đang tiến hành nhiều quá trình hiện đại hóa các cơ sở quân sự khác tại Bắc Cực, bao gồm cả việc xây dựng mới 10 sân bay quân sự để đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015, cùng với 4 sân bay hiện đại, nâng số lượng sân bay ở khu vực này lên con số 14.
Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, ông Dmitry Bulgakov cho biết, việc khôi phục trở lại 10 sân bay tiến hành từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016. Với 14 sân bay, các hoạt động dân sự và quân sự của Nga ở Bắc Cực sẽ được triển khai dễ dàng hơn.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Dmitry Bulgakov từng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bắt đầu việc xây dựng lại 10 sân bay ở khu vực Bắc Cực trong năm nay. Trước cuối năm 2016, Nga sẽ có tổng cộng 14 sân bay ở Bắc Cực”.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết cơ quan này đang có kế hoạch mở lại cảng hàng không và cảng biển trên quần đảo New Siberian và quần đảo Franz Josef Land trên vùng Bắc Cực.
Theo giới phân tích quân sự, động thái của Moscow giúp đảm bảo an ninh của Nga ở Bắc Cực.
Bất chấp việc tăng cường quốc phòng ở khu vực này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tái khẳng định, Moscow không có ý định quân sự hóa Bắc Cực, và rằng “tất cả các biện pháp đều chỉ nhằm tăng cường an ninh biên giới của Liên bang Nga”.
Là một trong số ít những vùng đất “chưa có chủ” trên Trái Đất, Bắc Cực đang trở thành một điểm nóng tranh chấp mới. Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canađa và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực. Tất cả các nước này đều có lối ra trực tiếp với biển Bắc Băng Dương. Tuyên bố chủ quyền quốc gia của các nước này có thể dựa vào những luận chứng khác nhau và họ sẵn sàng cho cuộc đấu bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ".
Gần đây, Bắc Cực lại càng trở thành tâm điểm của những tranh chấp giữa các quốc gia trên, đặc biệt là Nga và Canada khi mà tình trạng nóng lên của toàn cầu làm giảm băng trên biển, cho phép tiếp cận dễ dàng hơn với các mỏ dầu khí khổng lồ ở Bắc Cực.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc