Mỹ muốn "tiếp đạn" cho kẻ thù của Nga?

07:31, 30/03/2017
|

(VnMedia) - Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Châu Âu hôm 28/3 đã lên tiếng cho rằng, Mỹ nên cân nhắc trang bị cho Ukraine các vũ khí phòng thủ bởi vì Ukraine đang phải chiến đấu chống lại lực lượng ly khai miền đông được Nga hậu thuẫn.

Tướng Lục quân Curtis Scaparrotti
Tướng Lục quân Curtis Scaparrotti

Kiev từ lâu đã luôn kêu gọi Mỹ cung cấp vũ khí cho họ những đều bị chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama thẳng thừng cự tuyệt. Thay vào đó, Washington chỉ đưa các nhân viên quân sự đến Ukraine để giúp quốc gia Đông Âu đào tạo, huấn luyện lực lượng.

"Cá nhân tôi tin rằng, chúng ta cần phải cung cấp vũ khí phòng thủ có tính sát thương cho Ukraine”, Tướng Lục quân Curtis Scaparrotti – người hiện đang giữ chức Chỉ huy Tối cao Lực lượng Liên quân NATO và cũng là người đứng đầu Bộ Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Châu Âu, cho biết.

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Scaparrotti miêu tả lực lượng ly khai miền đông Ukraine như một “kẻ thù khó chơi và độc hại”.

"Người Nga đã cung cấp cho họ những thiết bị tối tân nhất để họ thử nghiệm các loại vũ khí đó trên chiến trường”, ông Scaparrotti cho các nghị sĩ biết. Đáng chú ý là Nga đã thử nghiệm việc sử dụng các máy bay không người lái để cung cấp những thông tin chết người về mục tiêu cho các đơn vị pháo binh, vị quan chức quân sự Mỹ cho biết thêm.

Những phát biểu trên được Tướng Scaparrotti đưa ra ngay trước thềm một cuộc họp giữa các đại sứ của NATO với đại diện của Nga ở Brussels dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (30/3). Đây là một nỗ lực của Moscow và NATO nhằm hạ nhiệt quan hệ căng thẳng giữa hai bên, trong đó có cả cuộc đối đầu vì khủng hoảng chính trị ở UKraine.

NATO đã tạm ngừng mọi mối quan hệ hợp tác thực tế với Nga vì cáo buộc Moscow can dự vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.

Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt mấy năm qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

Ukraine vì thế liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây giúp đỡ, cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng của họ để chống lại không chỉ phe ly khai miền đông Ukraine mà còn cả Nga.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Mỹ và phương Tây vẫn phớt lờ mọi lời cầu cứu của Kiev. Không rõ, với những phát biểu mới nhất của tướng Mỹ nói trên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thay đổi lập trường hay không. Tuy nhiên, thông qua những phát biểu trước đây của ông Trump về tình hình Ukraine, có vẻ như Nhà lãnh đạo mới của Mỹ không mấy mặn mà với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc