Lính Nga và Mỹ "nằm trong tầm ném lựu đạn" của nhau ở Syria

19:19, 29/03/2017
|

(VnMedia) - Binh sĩ Mỹ và Nga đang chạm trán với nhau ở “tầm ném lựu đạn” trên chiến trường khốc liệt Syria, giới tướng lĩnh Mỹ cho biết. Diễn biến này được xem là nỗ lực của Moscow nhằm củng cố chỗ đứng của họ ở khu vực Trung Đông.

Lính Mỹ ở Syria
Lính Mỹ ở Syria

Việc binh sĩ Nga và Mỹ đang ở gần nhau đến mức trong “tầm ném lựu đạn” của nhau đã làm dấy lên quan ngại về khả năng hai bên bắn nhầm vào nhau và làm gia tăng căng thẳng trên chiến trường vốn đã khốc liệt ở Syria. “Tình trạng leo thang chắc chắn sẽ diễn ra”, ông Andreas Krieg – một giáo sư của Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc trường Đại học King’s College London, đã dự đoán như vậy.

Phát biểu với hãng tin NBC News, ông Krieg cảnh báo rằng, do đang ở khoảng cách quá gần nhau, lực lượng hai nước Nga và Mỹ có thể sẽ không tránh khỏi việc bắn nhầm vào nhau dù hai bên đều đang chiến đấu trên cùng một mặt trận, cùng giúp cho đội quân người Kurd – YPG chống lại nhóm khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

“Đội quân người Kurd đang thực hiện chiến dịch của riêng họ trong khi các lực lượng hậu thuẫn thực hiện chiến dịch không kích, nã pháo để hỗ trợ và che chắn cho họ”, ông Krieg cho hay.

Giới tướng lính Mỹ lần đầu tiên tiết lộ về việc lực lượng của họ đang chiến đấu gần sát với lực lượng của Nga khi ông này có cuộc trả lời phỏng vấn các phóng viên hồi đầu tháng này, đài NBC đưa tin. “Các binh sĩ của Nga và Mỹ thực sự đã ở sát nhau, trong tầm ném lựu đạn”, Trung tướng Steven Townsend – Chỉ huy Chiến dịch Nhổ tận gốc (Inherent Resolve), cho biết. Đây là chiến dịch nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố ở chiến trường Syria và Iraq.

Ước tính có khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ được tin là đã đóng quân ở Syria từ hồi tháng trước. Con số này trên thực tế đang phình lên bởi Tổng thống Donald Trump đã điều thêm hàng trăm binh sĩ Mỹ đến Syria trong những tuần gần đây, đài NBC cho biết thêm.

“Chiến đấu chống IS và chiến đấu chống lực lượng chiến binh khủng bố rõ ràng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Trump”, ông Krieg cho hay.

Nga được tin đang có từ 1.600 đến 4.500 binh sĩ hoạt động ở chiến trường Syria.

Lính Nga ở Syria
Lính Nga ở Syria

Quân Nga và Mỹ vốn thường ở hai bên đối địch nhau trong cuộc nội chiến ở Syria với điện Kremlin hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và Washington bắt tay với phe nổi dậy chống Assad. Tuy nhiên, hiện tại, Nga và Mỹ lại đều đang hậu thuẫn cho lực lượng chiến binh người Kurd - YPG trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và cả ở nước láng giềng Iraq.

Theo Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, giới tướng lĩnh quân sự của hai nước Nga và Mỹ hiện đã liên lạc với nhau để tránh xảy ra những cuộc đụng độ không mong muốn, gây thương vong cho hai bên.

Điện Kremlin từ lâu muốn thiết lập “một liên minh giữa Nga và Mỹ để cùng chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố và Nga muốn được công nhận là đối tác ngang bằng với Mỹ” ở Syria, ông Igor Sutyagin – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, cho NBC biết. Tuy nhiên, Mỹ luôn từ chối.

Việc Mỹ và Nga lần này chiến đấu trong cùng một chiến tuyến được cho chỉ là vì những lợi ích “ngắn hạn và trung hạn” của cả hai nước.

Vì sao Nga và Mỹ ủng hộ cho lực lượng người Kurd?

Mỹ từ lâu đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho đội quân người Kurd chống IS ở Syria bởi đây là một trong những lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất. Vì tầm quan trọng của đội quân người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ sẵn sàng phớt lờ mối quan ngại của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi lực lượng người Kurd là kẻ thù, là mối đe dọa đối với an ninh nước họ.

Về phía Nga, nước này mới chỉ bắt tay với lực lượng người Kurd cách đây không lâu. Moscow muốn đạt được những thành tích lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và vì thế họ cần đến đội quân người Kurd.

Cả Nga và Mỹ đều muốn thông qua những thành quả trong cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là IS, để tăng cường vị thế quốc tế của họ với tư cách là các cường quốc cũng như tăng cường vị trí của họ ở trong khu vực Trung Đông và ngay trong mỗi nước của họ.

Vì lý do trên, không chỉ Mỹ mà Nga cũng sẵn sàng “hy sinh” mối quan hệ vừa được hồi phục, hàn gắn gần đây với Thổ Nhĩ Kỳ.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc