Chạm trán trên chiến trường Syria, quân Nga, Mỹ gầm ghè nhau

16:23, 16/03/2017
|

(VnMedia) - Lực lượng binh sĩ của Nga và Mỹ hiện đều đang có mặt ở chiến trường thành phố phía bắc Manbij của Syria và đang đối mặt trực diện với nhau ở nơi vốn là thành trì của nhóm khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một quan chức Mỹ hôm qua (15/3) cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hình ảnh những phương tiện bọc thép của Nga và Mỹ lăn bánh trên cùng một con đường là một diễn biến bất thường khác trong cuộc nội chiến phức tạp ở Syria - một cuộc chiến kéo dài dai dẳng suốt hơn 6 năm qua và chưa có dấu hiệu kết thúc.

"Họ có thể quan sát động thái của nhau. Họ có thể nhìn thấy nhau. Họ không nói chuyện với nhau và cũng không qua lại với nhau”, một phát ngôn viên của quân đội Mỹ - Đại tá John Dorrian đã nói như vậy về lực lượng Nga, Mỹ ở Manbij.

Lực lượng biệt kích Ranger của Mỹ đã tiến vào chiến trường Manbij từ hồi đầu thánh này để tham gia chiến dịch “trấn an và răn đe”. Trong chiến dịch này, lực lượng Mỹ lâu nay giấu mình đã công khai đi trên những đoàn xe cắm cờ Mỹ diễu khắp thành phố.

Sự hiện diện của lực lượng Mỹ là nhằm để ngăn chặn các cuộc đụng độ giữa lực lượng người Kurd ở Syria với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Lầu Năm Góc tuyên bố, họ muốn tất cả các bên tập trung vào mục tiêu chống IS trong khu vực chứ không phải là đánh lẫn nhau.

Mỹ đang hậu thuẫn cho liên minh Ả-rập-người Kurd được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Lực lượng này đã đánh bật các chiến binh IS ra khỏi thành phố Manbij hồi năm ngoái. Cùng thời điểm, Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào phía bắc Syria, tham gia cuộc chiến chống IS đồng thời tìm cách bao vây, kiềm chế đội quân người Kurd - lực lượng mà Ankara xem như kẻ thù.

Thổ Nhĩ Kỳ từng đe dọa sẽ tấn công lực lượng người Kurd trừ khi họ rút khỏi thành phố Manbij.

Theo phát ngôn viên Dorrian, quân đội Nga và Mỹ không liên lạc trực tiếp với nhau trên chiến trường mà chỉ   nắm thông tin của nhau thông qua đường dây nóng được thiết lập từ năm 2015.

Cuộc nội chiến ở Syria chứng kiến mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ. Hai nước ủng hộ cho hai phe đối lập nhau trong cuộc chiến và theo đuổi các mục tiêu khác nhau. Cộng đồng quốc tế trông chờ vào sự hợp tác của Nga và Mỹ bởi họ tin rằng điều đó sẽ giúp sớm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, đến nay, cả Moscow và Washington vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung ở quốc gia Trung Đông.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc