(VnMedia) - Giới chức quân sự Mỹ tiếp tục dùng lá bài mang tên “mối đe dọa Nga” để vận động thêm sự ủng hộ về mặt kinh tế, chính trị và chiến lược từ bộ máy lãnh đạo dân sự ở thủ đô Washington, tờ Sputnik của Nga cáo buộc.
Ảnh minh họa |
Hôm 28/3, Tướng Curtis Scaparrotti của Mỹ đã có phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ và ông này đã nói rằng Bộ Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Châu Âu “rất cần” một “lực lượng lớn mạnh hơn nữa” để răn đe, ngăn chặn Nga không xâm lược phần còn lại của Châu Âu.
Lực lượng bổ sung có thể được điều đến Châu Âu dưới hình thức các sư đoàn bộ binh, thiết giáp cùng với việc tái sắp xếp lại các lực lượng trên biển gần với Nga.
Đây không phải là lần đầu tiên Lầu Năm Góc “đánh” vào nỗ lo sợ của giới nghị sĩ Mỹ để đòi thêm ngân sách. Và đây cũng có thể không phải là lần cuối cùng. "Tôi đang đề xuất được bổ sung lực lượng bởi… Tôi cần các sư đoàn cơ giới và thiết giáp”, ông Scaparrotti cho biết.
"Họ (ám chỉ đến Nga) đang sử dụng các hệ thống vũ khí tương tự, hoặc là vũ khí thông thường hoặc là hạt nhân. Ngoài ra, trong học thuyết của họ, họ đã tuyên bố công khai một lần nữa rằng, họ đã tính đến việc sử dụng năng lực tấn công chiến thuật hạt nhân trong một cuộc xung đột thông thường", ông Scaparrotti nhấn mạnh.
Những phát biểu trên được Tướng Mỹ đưa ra ngay sau khi NATO và Mỹ vừa tiến hành những đợt triển khai quân và vũ khí rầm rộ đến gần các đường biên giới của Nga. Đây là đợt triển khai quân lớn nhất của phương Tây kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Mỹ khăng khăng cho rằng, lực lượng của họ và NATO có mặt ở khu vực Đông Âu là một sự răn đe đáng tin cậy cho cái mà giới chức Mỹ gọi là sự gây hấn, xâm lược của Nga. Washington cáo buộc Moscow luôn nhăm nhăm ý định gây hấn, xâm lược bất chấp thực tế là chỉ riêng khoản tăng ngân sách quốc phòng được đề xuất năm nay của Mỹ – 54 tỉ USD đã bằng đến 80% tổng ngân sách quốc phòng hàng năm của Nga.
Một chiến lược gia chính trị lâu năm của Washington từng có câu nói: “Nếu bạn muốn biết Đảng Dân chủ đang làm gì thì hãy nhìn vào những cáo buộc của họ nhằm vào Đảng Cộng hòa”. Trong trường hợp này, câu nói trên rất hợp với chính sách đối ngoại của Mỹ. “Nếu bạn muốn biết Mỹ đang làm gì, hãy xem họ cáo buộc các đối thủ của họ đang làm gì”, bài báo trên tờ Sputnik của Nga đã bình luận như vậy.
Những phát biểu của Tướng Mỹ cùng những động thái quân sự được tung ra liên tiếp ở biên giới Nga trong thời gian qua của NATO và Mỹ phơi bày thực chất mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw hồi tháng Bảy năm ngoái, các nước thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã nhất trí về kế hoạch “triển khai lực lượng quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh” đến khu vực Đông Âu. Cụ thể, sẽ có 4 tiểu đoàn đa quốc gia với quân số mỗi tiểu đoàn khoảng hơn 1.000 quân sẽ được điều đến các nước Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Kể từ đầu năm đến giờ, Mỹ và NATO đã ồ ạt đưa hàng nghìn quân và hàng nghìn vũ khí đến Đông Âu- nơi vốn được coi là sân sau của Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc