Thiên thạch lớn hơn tòa Empire State có thể đâm vào Trái Đất

16:57, 14/02/2017
|

NASA mới đây cảnh báo một thiên thạch có hình dạng hạt đậu với kích thước lớn hơn tòa nhà Empire State nổi tiếng ở New York có thể đâm vào Trái Đất.

Thiên thạch mang tên 2015BN509 đã tiến sát Trái Đất vào tuần trước, với khoảng cách gấp 14 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định thiên thạch rộng 200 m, dài 400 m, bay với tốc độ 70.500 km/h này “có khả năng gây nguy hiểm” và đâm vào Trái Đất vào một ngày nào đó. Để dễ hình dung, các nhà khoa học so nó với tòa tháp Empire State nổi tiếng ở New York, Mỹ, cao 381 m.

Thiên thạch này có thể phá hủy toàn một quốc gia hoặc khu vực nếu đâm vào Trái Đất.

Thiên thạch dài hơn 400 m có thể đâm va vào Trái Đất. Ảnh: Getty. 
Thiên thạch dài hơn 400 m có thể đâm va vào Trái Đất. Ảnh: Getty. 

2015BN509 được phát hiện nhờ kính viễn vọng khổng lồ Arecibo ở Puerto Rico. NASA đang tìm cách làm chệch hướng bay của thiên thạch này.

Tiến sĩ Edgard Rivera-Valentín, chuyên gia nghiên cứu dữ liệu ở đài quan sát Arecibo, cho biết việc ghi lại hoạt động của các thiên thạch như thế này có thể giúp các nhà khoa học có thêm thông tin về vật thể bay sắp đâm vào Trái Đất cũng như giúp NASA bảo vệ hành tinh.

Đài quan sát  Arecibo ở Puerto Rico. Ảnh: Wikipedia.
Đài quan sát  Arecibo ở Puerto Rico. Ảnh: Wikipedia.

“Arecibo giống như một ‘thầy bói’”, chúng ta có thể mô tả các đối tượng như thế này, nghiên cứu kích thước, hình dạng, trạng thái xoay khi di chuyển, thành phần và bề mặt địa chất. Việc va chạm thiên thạch không giống như các thảm họa thiên nhiên khác, nó thực sự có thể tránh được”, ông Rivera-Valentín nói.

NASA đã thành lập bộ phận bảo vệ Trái Đất khỏi các mối đe dọa bởi các đối tượng bay gần nó (NEOs) trong năm ngoái. Mỗi năm, 1.500 NEOs được xác định, 90% trong số đó dài hơn 1 km. Cơ quan này đang đề xuất xây dựng kính viễn vọng không gian tia hồng ngoại có tên gọi NEOCam, giúp xác định tốt hơn vị trí các vật thể bay gần Trái Đất. 

Theo Tri thức trực tuyến


Ý kiến bạn đọc