(VnMedia) - Việc Mỹ cấp tập đưa xe tăng, phương tiện bọc thép và 3.500 quân đến Đông Âu để ngăn chặn cái gọi là sự gây hấn của Nga có thể sẽ kích động các nước nhỏ hơn tìm cách châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa Washington và Moscow. Đây là nhận định do chính giới phân tích Mỹ đưa ra.
Ảnh minh họa |
“Đó sẽ không phải là một biện pháp răn đe hiệu quả, bởi chẳng có gì để phải răn đe, ngăn chặn”, giáo sư về khoa học thần kinh và cũng là một nhà bình luận chính trị của Mỹ - ông John Walsh hôm qua (9/1) đã phân tích như vậy trên tờ Sputnik.
Ông Walsh cảnh báo, hoạt động triển khai vũ khí rầm rộ của Mỹ có thể có mục đích là nhằm cố tình đẩy cao căng thẳng trong khu vực. “Những lá cờ giả luôn được dựng lên và minh chứng thảm kịch hay Ukraine trở thành quân tốt đen của giới tân bảo thủ. Nga không cần cũng chẳng thèm muốn bất kỳ lãnh thổ nào của các nước láng giềng”, ông Walsh giải thích.
Theo ông Walsh, “mặc dù không phải là hành động được tính toán kỹ lưỡng nhưng sự nhảy múa của những chiếc xe tăng thực sự chỉ là một trò hề tương đối hay ho. Nó giống như một... cuộc diễu binh đắt đỏ”.
Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ - ông Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng của ông này - Ashton Carter đã thông qua kế hoạch triển khai lực lượng quân sự đến Đông Âu bởi họ hy vọng sẽ thông qua đó ve vãn các nước nhỏ hơn để họ đứng về phía Mỹ và quay ra ghẻ lạnh Nga, nhà phân tích Walsh cho biết thêm.
“Có lẽ một nước nhỏ thậm chí cũng có thể giúp dựng lên một lá cờ giả của phe tân bảo thủ với quan niệm sai lầm rằng họ sẽ được thưởng vì điều đó. Tuy nhiên, các nước Châu Âu nên thận trọng khi đặt họ giữa Mỹ và Nga. Hãy nhìn những gì xảy ra với Ukraine khi nước này làm như vậy”, ông Walsh cảnh báo.
Sau khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ từ ngày 20/1 tới, ông này có thể muốn chấm dứt hoặc thậm chí đảo ngược tiến trình triển khai lực lượng mà ông Obama và Carter khởi động hiện nay. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ có thể buộc phải chấp nhận tình hình trong một khoảng thời gian nhất định, ông Walsh thận trọng cho biết.
“Lập trường kiên định của ông Trump là từ bỏ cuộc diễu binh xe tăng ngu ngốc đó. Tuy nhiên, ông lấy bị hạn chế bởi khả năng có thể làm được gì vào lúc này – và có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian”, ông Walsh nói.
Cựu quan chức nghỉ hưu và là một nhà sử học của Mỹ - ông Todd Pierce cũng cho rằng, đợt triển khai lực lượng mới là quá nhỏ để có thể trở thành sự răn đe đáng tin cậy. Theo ông Pierce, kết quả duy nhất từ động thái mới nhất của Mỹ vừa rồi chỉ khiến ngân sách của Lầu Năm Góc phồng to lên mà thôi.
Chỉ trong vài ngày qua, đã có đến 2.800 vũ khí hạng nặng và 4.000 quân Mỹ đổ về cảng Bremerhaven của Đức. Lực lượng mới của Mỹ đầu tiên sẽ được điều đến Ba Lan để tham gia các cuộc tập trận vào cuối tháng này và sau đó sẽ được triển khai trên khắp 7 quốc gia, trong đó có các nước Baltic, Bulgari, Rumani và Đức. Tất cả đều nhằm đối phó với Nga. Trong số vũ khí được đưa đến Đông Âu lần này có hàng trăm xe tăng Abrams, pháo tự hành Paladin và phương tiện chiến đấu Bradley.
Đợt điều quân và vũ khí mới nhất nói trên đánh dấu một giai đoạn mới trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Âu trong khuôn khổ Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương. Chiến dịch này được Mỹ coi là sự thể hiện cam kết của họ đối với an ninh tập thể của Châu Âu. Nó ra đời vào tháng Tư năm 2014 sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea. Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương được thực hiện thông qua những cuộc tập trận, huấn luyện đa quốc gia liên tục cùng với những hoạt động hợp tác của Mỹ và NATO ở Đông Âu. Kể từ khi Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương ra đời, đã có một loạt các cuộc tập trận được tổ chức ở các nước như Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Rumania, Bulgari và Hungary.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc