5 phút sau khi đọc bài diễn văn đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Trump đã nhận các mã số hạt nhân và chính thức sở hữu quyền năng duy nhất tại nước Mỹ - phát động một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Vali hạt nhân bí ẩn luôn được một trợ lý quân sự xách theo trong những chuyến đi của Tổng thống Mỹ. |
Đúng 12 giờ trưa 20/1 (tức 0h00 ngày 21/1 giờ Việt Nam), ông Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ trước sự chứng kiến của Chánh án Toà án Tối cao John Roberts. 12h10 phút ông đọc bài diễn văn đầu tiên trên cương vị Tổng thống và theo tờ Financial View, vào 12h15, một trợ lý quân sự của ông đã được nhận các mã số hạt nhân từ nhóm của Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama.
Vậy ông Trump có thể sử dụng quyền lực hạt nhân của mình như thế nào, và điều gì có thể ngăn chặn ông bấm nút "quả bóng" hạt nhân?
Quy trình nhận vali hạt nhân
Sáng 20/1, một trợ lý quân sự tháp tùng Tổng thống Barack Obama tới dự buổi lễ chuyển giao quyền lực diễn ra tại Đồi Capitol (Toà nhà Quốc hội Mỹ). Họ mang theo chiếc vali da nổi tiếng, bên trong chứa một thẻ cứng kỹ thuật số, kích thước 7,3x12cm, có biệt danh là "biscuit" (bánh quy), chứa các mã số cho phép phát động một cuộc tấn công hạt nhân, và sẽ trao cho trợ lý quân sự của ông Trump chỉ vài phút sau khi tân Tổng thống đọc bài diễn văn đầu tiên.
Theo thông lệ, một cuộc họp kín sẽ được tổ chức sau đó để ông Trump được hướng dẫn cách thức sử dụng thẻ mật mã và vali. Tuy nhiên thông tin cụ thể về thủ tục này luôn được giữ bí mật.
Bà Cristina Varriale, một nhà phân tích chính sách hạt nhân tại Học viện dịch vụ Hoàng gia thống nhất (RUSI - Anh), nói với tờ Independent: "Ngay từ khoảnh khắc nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump có quyền tiếp cận mã số hạt nhân"
Điều gì có thể ngăn ông Trump sử dụng vali hạt nhân?
"Về mặt lý thuyết, Tổng thống có đầy đủ quyền sử dụng năng lực hạt nhân, nhưng trên thực tế, việc phóng vũ khí hạt nhân sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác, trong đó có nhân tố con người", bà Varriale bổ sung.
Theo đó, ông Trump sẽ là người đầu tiên ra quyết định, sau đó sẽ cho phép Bộ trưởng Quốc phòng, tức Đại tướng nghỉ hưu James Mattis, chỉ huy vụ phóng vũ khí hạt nhân.
Ông Mattis có thể bất tuân lệnh, nhưng điều này sẽ đồng nghĩa với một cuộc chống đối, và Tổng thống có thể sa thải ông, thay thế bằng một Thứ trưởng Quốc phòng.
Ngoài ra, theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống có thể tuyên bố Tổng thống mất năng lực điều hành để tước quyền lực của người đứng đầu Nhà Trắng, nhưng cần được sự ủng hộ của đa số thành viên nội các.
Chuyên gia về cấm phổ biến hạt nhân Mark Fitzpatrick, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở Washington cho hay: "Không có quy trình kiểm tra hay cân bằng quyền của tổng thống khi ra quyết định tấn công hạt nhân. Nhưng giữa khoảng thời gian ông ra lệnh và thời điểm vụ phóng được tiến hành, có những người khác liên quan".
Lệnh tấn công phát đi như thế nào?
Bên trong vali hạt nhân là một cuốn sách bìa màu đen, bên trong có bản danh sách các lựa chọn tấn công. Tổng thống sau đó xác nhận danh tính của ông trên cương vị Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang bằng cách sử dụng một thẻ nhựa. Ngay khi xong thủ tục đó, lệnh tấn công sẽ được phát đi thông qua Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, tới Phòng Chiến tranh của Lầu Năm góc, rồi sau đó, qua các mã chứng thực được niêm phong, được đưa tới tổng hành dinh Bộ tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Chiến lược ở căn cứ Offutt, bang Nebraska.
Mất bao lâu để tấn công mục tiêu?
Hành trình của một tên lửa liên lục địa đối đất mang đầu đạn hạt nhân từ Mỹ đến Nga hoặc đến Trung Quốc mất khoảng 30 phút, hoặc có thể chỉ mất 12 phút nếu phóng từ một tàu ngầm ở phía tây Đại Tây Dương.
"Nước Mỹ vẫn là một trong những cường quốc hạt nhân của thế giới - bên cạnh Nga - với kho vũ khí có khả năng huỷ diệt ghê gớm và thay đổi cả thế giới", chuyên gia Varriale nói. Trong lịch sử, Tổng thống Harry Truman từng ra lệnh thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản năm 1945, với lý do theo ông khi đó là để chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo BBC, tính đến tháng 9/2016, nước Mỹ sở hữu 1.367 đầu đạn hạt nhân chiến lược, trong khi Nga sở hữu 1.796 đầu đạn và Anh là 20.
Ông Trump có dùng vũ khí hạt nhân không?
Hồi tháng 3/2016, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Trump từng tuyên bố sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là "lựa chọn cuối cùng", và ông sẽ "giảm đáng kể" kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên tháng 12/2016, vị Tổng thống đắc cử lại đăng trên Twitter rằng "nước Mỹ cần phải tăng cường năng lực hạt nhân cho đến khi nào thế giới 'tỉnh ngộ' về hạt nhân".
Bà Varriale nhận xét thêm: "Còn nhiều câu hỏi về hiểu biết của ông Trump về vũ khí hạt nhân cũng như cách ông nhìn nhận việc sử dụng hạt nhân, ngoài ra cần một loạt bước đi quan trọng trước khi ý định sử dụng hạt nhân của ông Trump trở thành một khả năng trong ngắn hạn".
(Theo Báo tin tức)
Ý kiến bạn đọc