(VnMedia) - Ngày 6/1, các cơ quan tình báo Mỹ công bố bản báo cáo buộc cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch nhằm tăng cơ hội chiến thắng cho ứng cử viên Donald Trump, theo Reuters.
Theo CNN, đây là bản báo cáo chính thức đầy đủ và chi tiết đầu tiên của cộng đồng tình báo Mỹ về các hoạt động tấn công mạng của Nga nhằm vào chiến dịch bầu cử tống thống Mỹ 2016 cũng như động cơ của Moscow đằng sau những động thái này.
Ông Putin bị cáo buộc chỉ đạo tấn công an ninh mạng nhằm vào cuộc bầu cử Mỹ |
Nga muốn nhắm vào Clinton?
"Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch nhằm tăng cơ hội chiến thắng cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump, bằng cách làm xói mòn uy tín của ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton trong chiến dịch bầu cử năm 2016", thông tin từ bản báo cáo này cho biết.
"Mục đích của Nga là nhằm làm xói mòn uy tín của công chúng trong tiến trình dân chủ tại Mỹ, bôi nhọ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, qua đó khiến bà gặp khó khăn hơn trong việc giành chiến thắng, hoặc gây phương hại cho bà Hillary trên cương vị tổng thống ngay cả khi bà thắng cử".
Báo cáo có đoạn: “Chúng tôi đánh giá Putin và Chính phủ Nga đã phát triển một nỗ lực (theo hướng) thiên vị cho Tổng thống đắc cử Trump”.
Cũng theo bản báo cáo này, các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) của Nga đã sử dụng một số công cụ trung gian như trang mạng WikiLeaks, DCLeaks.com và Guccifer 2.0 để phát tán nhiều bức thư điện tử thu thập được từ Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ, cũng như từ các chính khách Dân chủ hàng đầu khác.
Nội dung chính của báo cáo của Văn phòng Tình báo Quốc gia Mỹ: Tổng thống Nga đã ra lệnh có chiến dịch gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ 2016 Mục tiêu của Nga là làm giảm niềm tin của công chúng vào tiến trình dân chủ Mỹ, gièm pha bà Hillary Clinton, gây hại cho khả năng trúng cử của bà Tổng thống Putin và chính phủ Nga ưa chuộng ông Donald Trump hơn Ông Putin muốn giúp Donald Trump bằng cách gây mất uy tín bà Clinton Khi Moscow thấy bà Clinton có thể thắng cử, chiến dịch của Nga bắt đầu tập trung vào việc gây mất uy tín của bà Từ tháng Bảy 2015, tình báo Nga đột nhập được vào mạng của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và chiếm quyền tiếp cận cho đến ít nhất là tháng Sáu 2016. Tình báo quân đội Nga (GRU) đã chuyển tư liệu lấy từ DNC và quan chức đảng Dân chủ cho WikiLeaks. Moscow sẽ áp dụng các bài học từ chiến dịch này cho các nỗ lực gây ảnh hưởng trên thế giới, chống các đồng minh của Mỹ và tiến trình bầu cử tại các nước này. (Theo BBC) |
Đảng Dân chủ bị tấn công nhưng không hề hấn gì
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã họp với cơ quan tình báo Mỹ về kết quả bầu cử 2016, theo hãng RT.
“Dù Nga, Trung Quốc, các quốc gia khác, các tổ chức và nhiều người bên ngoài liên tục tìm cách đột nhập vào hạ tầng mạng của các thể chế chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức của chúng ta, bao gồm cả Uỷ ban toàn quốc của đảng Dân chủ, nhưng không hề có tác động gì tới kết quả của cuộc bầu cử”.
Các máy kiểm phiếu không hề bị xáo trộn hoặc xảy ra vấn đề gì trong thời gian bầu cử, ông Trump khẳng định.
Ông Trump tuyên bố sẽ bổ nhiệm một đội phác thảo kế hoạch đáp trả mọi cuộc tấn công vào mạng của Mỹ trong tương lai |
Bên cạnh đó, ông Trump thừa nhận có các ‘nỗ lực tấn công vào Uỷ ban toàn quốc của đảng Dân chủ’, nhưng không hề hấn gì, nhờ uỷ ban này có ‘hệ thống phòng thủ’ mạnh mẽ trước các cuộc tấn công mạng.
Ông Trump cũng tuyên bố sẽ bổ nhiệm một đội phác thảo kế hoạch đáp trả mọi cuộc tấn công vào mạng của Mỹ trong tương lai để giữ an toàn và an ninh Mỹ là “ưu tiên số một”.
Cũng trong ngày 6/1, nhiều nghị sĩ của đảng Dân chủ tại các ủy ban tình báo thuộc lưỡng viện Quốc hội Mỹ tuyên bố bản báo cáo của cơ quan tình báo về việc cáo buộc Nga dính líu tới cuộc bầu cử tổng thống vừa qua là lý do để tiến hành một hành động đáp trả mạnh mẽ nhằm tránh để tái diễn vụ việc.
Thượng nghị sỹ Mark Warner của đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Thượng viện nhấn mạnh: “Sức mạnh của nền dân chủ Mỹ sẽ bị thử thách qua cách thức chúng ta đáp trả và những bước đi mà chúng ta thực hiện nhằm phát triển một chiến lược không gian mạng vững mạnh và chủ động”. Trong khi đó, ông Adam Schiff một nghị sỹ Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cũng cho rằng Quốc hội nước này cần phải mở “nhiều cuộc điều tra triệt để” nhằm xác định điều gì đã xảy ra và tìm ra phương thức bảo vệ Chính phủ Mỹ.
Đến nay, Nga vẫn phủ nhận mọi cáo buộc của Mỹ về việc Moscow tấn công mạng nhằm vào cuộc bầu cử Mỹ. Nga từng nhiều lần cho rằng khi thất bại thì những người ủng hộ bà Hillary thay vì chấp nhận sự thật thua cuộc lại đang cố gắng đổi lỗi cho nhân tố bên ngoài, cụ thể là Nga. Trước cáo buộc của tình báo Mỹ, Nga vẫn chưa đưa ra phản ứng nào.
Ý kiến bạn đọc