(VnMedia) - Trung Quốc tạo giống ớt nhiễm độc và lấy hết việc làm của người Indonesia, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chết vì đau tin, bà Hillary tham gia vào đường dây buôn bán trẻ em... là những tin tức giả mạo nhưng đã lan truyền trên mạng tạo ra những hậu quả có thực trong thời gian qua.
Indonesia lập cơ quan xử lý tin giả mạo trên mạng
Theo AFP, làn sóng tin tức giả đã gây ra nhiều hoang mang, hỗn loạn dư luận tại Indonesia, trong đó có những thông tin cho rằng Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến tranh sinh học tại Indonesia bằng cách tung ra những loại hạt giống ớt nhiễm độc.
Thông tin này xuất phát từ một câu chuyện có thật nói rằng 4 công dân Trung Quốc bị bắt vì sử dụng hạt giống ớt nhiễm khuẩn tại một nông trại ở phía nam Jakarta. Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia ngay lập tức ra tuyên bố phủ nhận thông tin này, cho rằng thông tin "gây hiểu nhầm và tạo ra mối quan ngại lớn" đối với Bắc Kinh.
Một câu chuyện khác được thêu dệt và lan truyền trên mạng xã hội với nội dung hàng triệu công nhân Trung Quốc vào Indonesia để thay thế lao động địa phương, cũng khiến dân chúng hoang mang.
Những câu chuyện giả mạo được đẩy lên cao trào, dẫn đến làn sóng chống Trung Quốc tăng cao, trong đó có việc liên quan đến thị trưởng Jakarta người gốc Hoa đang bị xét xử vì tội báng bổ tôn giáo.
Các cuộc biểu tình phản đối Thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama được thúc đẩy bởi một đoạn video bị chỉnh sửa. |
Từ những sự kiện trên, ngày 5/1, chính phủ Indonesia cho biết nước này sẽ thành lập một cơ quan chuyên xử lý nạn tin tức giả lan tràn trên mạng xã hội.
Bộ trưởng an ninh Indonesia, ông Wiranto cho biết việc thành lập cơ quan này là cần thiết nhằm chống lại sự nhiễu loạn thông tin mang tính "vu khống, giả mạo, gây hiểu lầm và lan truyền hận thù" từ không gian mạng và mạng xã hội. Ông khẳng định: "Tự do ngôn luận là một quyền trong nền dân chủ, nhưng người dân phải có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp".
The Jakarta Post dẫn phát biểu của phát ngôn viên cảnh sát, ông Martinus Sitompul, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các website, blog và tài khoản mạng xã hội nào thường xuyên phát tán thông tin giả; nâng cao trình độ các đơn vị chuyên đối phó với tội phạm trên mạng để xử lý lượng đơn khiếu nại nhận được”.
Đây là điều thực sự cần thiết trong bối cảnh người dân Indonesia ngày càng gia nhập thế giới mạng nhiều hơn. Ước tính hiện tại có khoảng 130 triệu người trong tổng số 255 triệu dân Indonesia đã tiếp cận mạng Internet.
Đức lấy kinh nghiệm từ cuộc bầu cử ở Mỹ
Indonesia không phải là một trường hợp cá biệt trong khi đại dịch tin tức giả lan truyền.
Theo website Death And Taxes ngày 5/1, không ít người nhẹ dạ gần đây đã giật mình khi trên mạng lan truyền tin giả về cái chết của tỉ phú Donald Trump sau một cơn đau tim. Thậm chí, người đọc còn được kêu gọi chia sẻ tin này để mọi người được biết về sự ra đi của ông Trump khiến tin tức này bị lan rộng và trở thành trung tâm khi ông Trump vốn là người được quan tâm từ khi tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ.
Mạng xã hội là “mảnh đất màu mỡ’ cho việc loan truyền tin vịt |
Bà Hillary Clinton cũng từng là một nạn nhân khi các tin đồn trên mạng cáo buộc bà Hillary Clinton đã tham gia vào đường dây buôn bán trẻ em như các nô lệ tình dục xuyên quốc gia (Pizzagates) dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào liên quan. Những tin tức giả này đã ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua khi có đến 46% cử tri ủng hộ cho Trump tin vào ‘pizzagate’ cho dù nó không xuất phát từ một nguồn có uy tín hay có được bất kỳ sự kiểm chứng nào trước khi bị lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, theo khảo sát của The Economist / YouGov công bố hồi cuối tháng 12.
Trong lần xuất hiện thứ 2 trước công chúng kể từ sau khi thua cử, bà Clinton đã ngay lập tức có bài phát biểu về “Đại dịch tin vịt”: “Đó là một mối nguy hiểm cần được giải quyết và giải quyết nhanh chóng. pháp luật lưỡng đảng được thực hiện thông qua Quốc hội để thúc đẩy phản ứng của chính phủ để tuyên truyền trong và ngoài, Thung lũng Silicon đang bắt đầu vật lộn với những thách thức và mối đe dọa của tin tức giả mạo”.
Từ những gì xảy ra trong cuộc bầu cử ở Mỹ, nước Đức hoàn toàn có lý do để lo lắng về cuộc bầu cử Thủ tướng quan trọng sẽ diễn ra trong năm nay. Nhiều thông tin cho biết, quốc hội nước này có thể sớm thông qua luật phạt mạng xã hội Facebook đến 500.000 euro/ngày cho “mỗi thông tin giả” được đăng tải và phát tán trên đó. Ngoài ra, Đức còn thúc đẩy thành lập một cơ quan chính phủ có nhiệm vụ chống lại hiện tượng lan truyền tin giả.
Ý kiến bạn đọc