(VnMedia) - Theo một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nước này sẽ thành lập “một đơn vị cắt ngọn” để ngăn chặn mối đe dọa ngày càng tăng lên từ Nhà lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên. Đây là âm mưu táo bạo chưa từng có của Seoul nhằm vào Chủ tịch Kim Jong Un.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trở thành mục tiêu của đơn vị đặc biệt của Hàn Quốc |
Hàn Quốc đang chuẩn bị các kế hoạch đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên bằng việc thành lập “một đơn vị cắt ngọn”, theo đó đơn vị này sẽ được kích hoạt “trong trường hợp có chiến tranh” xảy ra. Đây là thông tin vừa được một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ ngày hôm qua (6/1). Đơn vị đặc biệt này sẽ có nhiệm vụ nhằm mục tiêu vào thẳng “bộ chỉ huy chiến tranh” của Triều Tiên, trong đó có Chủ tịch Kim Jong Un, CNN hôm 5/1 dẫn lời vị quan chức Hàn Quốc đưa tin.
“Đơn vị cắt ngọn” ban đầu dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2019, nhưng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã phải tăng tốc thực hiện kế hoạch này trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng leo thang từ Bình Nhưỡng. Hiện tại, đơn vị đặc biệt mới được cho là sẽ được thành lập “trong năm nay".
Động thái trên của Hàn Quốc diễn ra sau hàng loạt những bước đi đầy thách thức và cứng rắn của Bình Nhưỡng, trong đó có thông tin được phát đi về việc ông Kim Jong Un thiết lập một đơn vị đặc biệt ở cấp tiểu đoàn chuyên có nhiệm vụ tấn công Nhà Xanh - văn phòng và nơi ở của Tổng thống Hàn Quốc, cũng như ám sát các nhân vật quan trọng trong chính phủ Seoul.
Giới chức Hàn Quốc tin rằng, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều vụ thử hạt nhân và tên lửa trong năm 2017 bất chấp các biện pháp trừng phạt cũng như áp lực từ mạnh mẽ cộng đồng quốc tế.
Mối quan ngại về sự khiêu khích của Triều Tiên đang tăng lên sau khi Chủ tịch Kim Jong Un trong bài phát biểu đầu năm mới của mình đã tuyên bố, nước ông đang ở trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Hàn Quốc được cho là đang thúc đẩy một kế hoạch phản ứng mạnh mẽ chưa từng có trước sự thách thức ngày một tăng cao từ Triều Tiên.
Hồi cuối năm vừa rồi, Hàn Quốc đã gây bất ngờ khi tuyên bố đã sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất và đe dọa sẽ biến Bình Nhưỡng thành “đống tro tàn”. Hôm 12/9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đe dọa sẽ biến Bình Nhưỡng - thủ đô của Triều Tiên thành “tro tàn”, nếu chính quyền của ông Kim Jong Un có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ có kế hoạch thực hiện một vụ tấn công hạt nhân.
"Tất cả các quận nằm trong thủ đô Bình Nhưỡng, đặc biệt là nơi ở của giới lãnh đạo Triều Tiên, sẽ hoàn toàn bị san phẳng bởi những quả tên lửa đạn đạo và những quả đạn pháo có sức nổ cực mạnh của chúng tôi ngay sau khi Bình Nhưỡng có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân", một nguồn tin trong quân đội Hàn Quốc đã tiết lộ như vậy với hãng tin Yonhap.
"Nói cách khác, thủ đô Bình Nhưỡng sẽ biến thành đống tro tàn và bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới”, nguồn tin trên nhấn mạnh.
Chưa dừng lại ở những lời đe dọa chưa từng có nói trên, Hàn Quốc còn cấp tập lên kế hoạch mua thêm hàng chục vũ khí thiện chiến hàng đầu của siêu cường Mỹ để đối phó với Bình Nhưỡng. Cụ thể, Seoul đang muốn mua thêm 20 chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ nhằm nâng cao năng lực không chiến của quân đội nước này.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hồi năm ngoái còn đệ trình lên Quốc hội một kế hoạch có tên là Trừng phạt và Trả đũa Toàn diện Triều Tiên, trong đó một phần của kế hoạch là “xóa sổ một khu vực nhất định ở thủ đô Bình Nhưỡng ra khỏi bản đồ thế giới”. Chiến dịch kêu gọi tấn công phủ đầu vào các địa điểm mà Chủ tịch Kim Jong Un thường xuyên có mặt. Cuộc tấn công cũng nhằm mục tiêu vào giới tướng lĩnh quân sự hàng đầu của Triều Tiên. Seoul có kế hoạch sử dụng tên lửa đạn đạo đất đối đất tự chế để thực hiện cuộc tấn công. Tên lửa hiện đại nhất loại này là Hyunmoo 3, có tầm bắn hơn 600 dặm (hơn 1000km). Quân đội Hàn Quốc đang phát triển một phiên bản tên lửa mới có tầm bắn xa hơn và được trang bị khối lượng vũ khí lớn hơn.
Ngoài ra, ở Hàn Quốc đang ngày càng có nhiều lời kêu gọi Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân đến lãnh thổ nước này. Thậm chí, giới phân tích ở Viện Sejong còn kêu gọi Seoul tự phát triển năng lực hạt nhân độc lập của riêng mình để đối phó với nước láng giềng bất thường, khó đoán đang có vũ khí hạt nhân trong tay.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc