Vì Syria, Nga chấp nhận bị phương Tây "vùi dập"?

10:37, 17/10/2016
|

(VnMedia) - Anh và Mỹ hôm qua (16/10) tuyên bố, hai nước này đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt thêm nữa nhằm vào Tổng thống Syria Bashar al-Assad và những lực lượng ủng hộ ông này, cụ thể là Nga.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson (bên trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay, Nga sẽ phải hứng chịu thêm các đòn trừng phạt vì tình hình ở Syria. Theo lời ông Kerry, Mỹ và đồng minh Anh đang xem xét áp dụng thêm những biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga cũng như chính phủ ở Syria vì các chiến dịch của họ ở thành phố Aleppo.

Thông tin trên cũng đã được Ngoại trưởng Anh Boris Johnson xác nhận.

Lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt mới nói trên được Anh và Mỹ tung ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến diễn ra vào hai ngày 20 và 21/10 tới. Tại hội nghị này, EU cũng sẽ thảo luận về vấn đề trừng phạt Nga.

"Chúng tôi đang đề xuất rất nhiều biện pháp để có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền Syria và lực lượng hậu thuẫn cho họ, các biện pháp đưa những kẻ mắc tội ác chiến tranh ra Tòa án Hình sự Quốc tế”, ông Johnson cho biết sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ và các đồng minh trong vấn đề Syria.

"Những biện pháp đó sẽ gây đau đớn cho lực lượng phạm tội và họ lúc này nên suy nghĩ về điều đó”, ông Johnson cho biết, đổng thời thêm rằng Châu Âu không có ý định tham gia chiến tranh ở Syria.

Cũng theo Ngoại trưởng Anh, người ta “hoài nghi rất lớn” về khả năng quân chính phủ Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga có thể chiếm lại được thành phố Aleppo hoặc giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Vì thế, ông Johnson kêu gọi Nga và Iran hãy thể hiện vai trò dẫn dắt bằng cách đồng ý với một lệnh ngừng bắn. “Việc thể hiện lòng nhân từ phụ thuộc vào họ – lòng nhân từ với những người dân ở thành phố đó và thúc đẩy thực thi lệnh ngừng bắn”.

Các cường quốc phương Tây cáo buộc Nga và Syria mắc tội thảm sát khi đánh bom các bệnh viện, giết hại dân thường và ngăn cản hoạt động sơ tán y tế cũng như tấn công vào phái đoàn viện trợ, khiến 20 người mất mạng.

Trong khi đó, Syria và Nga cho biết, họ chỉ nhằm mục tiêu vào lực lượng chiến binh ở Aleppo, cáo buộc Mỹ phá vỡ lệnh ngừng bắn khi đánh bom vào quân đội Syria đang chiến đấu chống IS.

"Chúng tôi cân nhắc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt và chúng tôi cũng nói rõ rằng Tổng thống Barack Obama không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào vào thời điểm này”, ông Kerry cảnh báo.

Washington đã cắt đứt quan hệ hợp tác với Moscow ở Syria sau khi nỗ lực của hai nước nhằm thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn lại một lần nữa đổ vỡ. Hai bên quay sang đổ lỗi, tố tội lẫn nhau.

Khi còn chưa đầy một tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và với việc Tổng thống Obama không muốn can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Syria, Ngoại trưởng Kerry đang tìm cách thiết lập một cuộc đối thoại rộng hơn có sự tham gia của nhiều người chơi quan trọng trong khu vực Trung Đông để tìm hướng tháo gỡ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Syria.

Mỹ và các đồng minh kêu gọi Moscow dùng ảnh hưởng của mình với chính phủ Syria để ngăn chặn tình trạng không kích, oanh tạc vào Aleppo – chiến trường ác liệt nhất hiện giờ ở Syria. "Cần phải có hành động nào đó trong vài ngày tới để có thể đem đến hy vọng, mở ra cánh cửa về việc ngừng bắn thực sự”, ông Kerry cho biết.

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, mọi giải pháp cho tình hình Syria hiện giờ đều cần phải có sự ủng hộ của Nga. Nếu như Mỹ cùng phương Tây tung thêm các đòn trừng phạt nhằm vào Nga thì mọi việc được cho là sẽ càng thêm rắc rối.

Mỹ và EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.

Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc