Để "hạ" Hillary, Donald Trump mắc tội phản quốc?

18:36, 30/07/2016
|

(VnMedia) - Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa – ông Donald Trump hồi giữa tuần đã khiến người dân nước Mỹ “sốc toàn phần” khi lên tiếng kêu gọi Nga can thiệp vào scandal sử dụng email cá nhân của đối thủ Hillary Clinton. Không ít người đã chỉ trích ông Trump là “phản quốc” khi đưa ra lời kêu gọi như vậy. Liệu ông Trump thực sự có khả năng bị kết tội phản quốc hay không?

Ông Donald Trump
Ông Donald Trump

Trong một cuộc họp báo diễn ra hôm thứ Tư (27/7), ông Trump bất ngờ phát biểu: "Họ có thể có được 33.000 bức thư email mà bà ấy đã đánh mất và xóa đi. Nếu Nga hay Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào có được những bức email đó, ý tôi là, tôi phải nói thật, tôi rất muốn được xem chúng... Nga, nếu các bạn đang lắng nghe, tôi hy vọng các bạn có thể tìm thấy 30.000 bức email đang mất tích đó”.

Tỉ phú Trump sau đó đã phải vội vàng lên tiếng đính chính, ông chỉ đang nói đùa chứ không thực sự có ý định kêu gọi Nga thực hiện hoạt động tìm kiếm 30.000 bức thư email của bà Hillary. Phe vận động tranh cử của ông Trump cũng bác bỏ những lời cáo buộc cho rằng, Nga đứng đằng sau “vụ xâm nhập hệ thống thông tin và máy tính" tại Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC), khiến nhiều tài liệu và email của nội bộ đảng này bị rò rỉ ra bên ngoài.

Những người của Đảng Dân chủ đã chỉ trích nặng nề hành động của ứng cử viên Donald Trump trong việc kêu gọi Nga can thiệp vào scandal email cá nhân của bà Hillary Clinton. Nhiều người thậm chí còn tiến gần hơn tới việc cáo buộc tỉ phú bất động sản Trump tội phản quốc. Tuy nhiên, theo ông Carlton Larson – giáo sư Trường Luật Davis thuộc Đại học California và đồng thời là một chuyên gia về vấn đề phản quốc, “những gì ông Donald Trump phát biểu chưa đến mức bị kết tội phản quốc”.

Luật đã quy định rõ, một cá nhân “giúp đỡ hoặc thông cảm, ủng hộ” cho một nước khác đang có chiến tranh với Mỹ, hay là tự mình phát động chiến tranh với đất nước, thì sẽ bị kết tội phản quốc. Những lời phát biểu của ông Trump mặc dù mang tính kích thích, kêu gọi Nga làm điều không có lợi cho Mỹ nhưng chưa đủ bằng chứng để chứng minh ông này trợ giúp hay ủng hộ cho một kẻ thù của Mỹ và Nga hiện tại cũng không phải là nước đang có chiến tranh với Mỹ.

Tuy nhiên, các thành viên của Đảng Dân chủ vẫn gán cho ông Trump tội danh phản bội. "Ông ta đã mời một nước hiếu chiến mà chúng ta đang thực sự lo ngại đến xâm lược chúng ta. Điều này thật là nực cười. Nói thật ra, nó giống như hành động phản bội lại chúng ta”, Thượng nghị sĩ Claire McCaskill gay gắt chỉ trích.

"Thật là đáng kinh sợ đối với những gì ông ta đang làm cũng như con người ông ta. Tôi không nghĩ đây lại là một người có bất kỳ mong muốn hay quan tâm gì đến việc tìm hiểu tính phức tạp của chính sách đối ngoại”, bà Claire nói thêm.

Trong khi đó, ông Leon Panetta – cựu Giám đốc CIA và từng là Bộ trưởng Quốc phòng thì nói: “Tôi cho rằng, điều đó đã vượt quá giới hạn. Tôi tin là kiểu phát biểu như thế phản ánh việc ông ấy thực sự không đủ năng lực để trở thành Tổng thống Mỹ.”

Người dân Mỹ khó tránh khỏi cảm giác nghi ngờ về mối quan hệ giữa ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump với Nga bởi ông Trump là chính trị gia hiếm hoi ở Mỹ có cái nhìn khá tốt đẹp về Tổng thống Putin và nước Nga. Ông này nhiều lần có những phát biểu rõ ràng là khen ngợi Nhà lãnh đạo quyền lực của xứ sở Bạch Dương. Ông Trump cũng không ngần ngại công khai bày tỏ việc sẵn sàng hợp tác với nước Nga của ông Putin. Chính vì thế, không có gì lạ khi một cựu chính khách cấp cao của Mỹ từng phát biểu, nếu ông Trump đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới thì đó sẽ là món quà dành riêng cho Tổng thống Nga Putin.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc