Mỹ chính thức tung "đòn" Nga sợ nhất

07:17, 12/05/2016
|

(VnMedia) - Một hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ được lắp đặt ở Rumani sẽ chính thức được đưa vào hoạt động trong ngày hôm nay (12/5,) trong một động thái được giới chức Washington miêu tả là “một bước đi quan trọng”. Tuy nhiên, bước đi này chắc chắn sẽ khiến Nga cực kỳ tức giận, bởi lâu nay Moscow vẫn sợ nhất viễn cảnh Mỹ dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ngay sát nách của họ.

Mỹ chính thức khởi động hệ thống lá chắn tên lửa ở Đông Âu
Mỹ chính thức khởi động hệ thống lá chắn tên lửa ở Đông Âu

Hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ được dựng lên ở Deveselu, phía nam Rumani. Theo lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Frank Rose cho biết tại cuộc họp báo ở thủ đô Bucharest ngày hôm qua (11/5), hệ thống trên sẽ giúp bảo vệ các thành viên NATO khỏi mối đe dọa của những tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, cụ thể là từ Trung Đông.

Tuy nhiên, Nga xem dự án thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu là một mối đe dọa an ninh ở ngay cửa ngõ của họ.

"Cả Mỹ và NATO đều đã khẳng định rõ, hệ thống lá chắn tên lửa không được thiết kế để nhằm mục đích làm phương hại đến năng lực răn đe chiến lược của Nga và nó cũng không có khả năng làm điều đó”, phát ngôn viên Rose nhấn mạnh.

"Nga liên tục bày tỏ quan ngại rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO là nhằm trực tiếp vào Nga và là một mối đe dọa đối với khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Không có điều nào là đúng cả”, vị quan chức Mỹ khẳng định.

Khu vực Deveselu sẽ là nơi Mỹ lắp đặt một khẩu đội tên lửa đánh chặn SM-2 và hệ thống này sẽ chính thức được kết nối với hệ thống lá chắn tên lửa của NATO tại cuộc họp thượng đỉnh của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương dự kiến diễn ra vào tháng Bảy ở thủ đô Warsaw của Ba Lan.

Dự án ở Deveselu đã được khởi động từ hồi tháng 10 năm 2013 và nó được cho là đã tiêu tốn 800 triệu USD.

Đại sứ Mỹ tại Rumani Douglas Lute miêu tả việc kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa ở Rumani sẽ là một động thái thể hiện cam kết của Washington theo Điều khoản Năm. Điều khoản này quy địch, tất cả 28 nước thành viên NATO đều phải hành động theo nguyên tắc sẵn sàng đáp trả “một cho tất cả và tất cả cho một” đối với bất kỳ mối đe dọa nào nếu một thành viên của họ viện dẫn đến hiệp ước trong bối cảnh họ phải đối mặt với một cuộc tấn công.

"Ngày mai sẽ là một minh chứng cho thấy Mỹ, Rumani và các đồng minh khác đóng góp cho hệ thống lá chắn tên lửa theo những gì mà Điều khoản Năm đã nói”, ông Lute phát biểu.

NATO năm 2010 đã quyết định thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa dựa trên công nghệ của Mỹ. Dự án này dự kiến được hoàn thành vào năm 2020, với những bộ phận được lắp đặt ở Ba Lan và Rumani.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nhấn mạnh vai trò của hệ thống lá chắn tên lửa nói trên “hoàn toàn chỉ mang tính phòng thủ” nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài.

Moscow lên tiếng

Moscow đã nhanh chóng lên án mạnh mẽ việc NATO mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa, miêu tả đó là một mối đe dọa đối với an ninh của họ và làm một sự vi phạm nghiêm trọng một hiệp ước quốc tế quan trọng.

"Việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu và ở Châu Âu có ảnh hưởng xấu đến sự ổn định chiến lược”, ông Mikhail Ulyanov – người đứng đầu Vụ Các vấn đề Phổ biến và Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, hôm qua cho biết.

“Những lợi ích trực tiếp và lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi quyết định đó”, ông Ulyanov nhấn mạnh thêm.

Vị quan chức Nga khẳng định, không chỉ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhằm để vô hiệu hóa năng lực tấn công của Nga mà hệ thống phóng MK 41 của Deveselu còn có thể được sử dụng để tái trang bị các tên lửa hành trình tấn công.

Theo ông Ulyanov, Washington đang vi phạm hiệp ước INF 1987 mà hai nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan đã ký kết. Hiệp ước này quy định các nước ký kết “không được sở hữu, chế tạo, thử nghiệm một tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500km đến 5.500km hay sở hữu, chế tạo những bệ phóng phóng các loại tên lửa như vậy”.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc