Bị Triều Tiên liên tiếp "qua mặt", Trung Quốc vẫn phải "nịnh"

07:59, 11/05/2016
|

(VnMedia) - Bất chấp việc Triều Tiên liên tiếp có hành động thách thức, không nể nang gì đồng minh lớn Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn phải ve vãn chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un.

Tại đại hội đảng của Triều Tiên
Tại đại hội đảng của Triều Tiên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa mới đây đã gửi điện mừng đến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, nhiệt liệt chúc mừng ông này đã được bầu làm người lãnh đạo Đảng Lao động cầm quyền trong đại hội đảng hiếm hoi và vô cùng quan trọng. Sự kiện này gây chú ý khi Bắc Kinh - đồng minh thân thiết nhất, gắn bó nhất của Bình Nhưỡng, không được mời tham dự.

Trong điện  mừng được gửi đi, Chủ tịch Tập Cận Bình miêu tả mối quan hệ với Triều Tiên là “một tài sản quý giá” mà “cá nhân các nhà lãnh đạo của thế hệ trước đã vun đắp được”, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA hôm qua (10/5) đưa tin.

Triều Tiên hôm qua đã bế mạc đại hội Đảng Lao động Triều Tiên - đại hội đảng lần đầu tiên được tổ chức trong vòng 36 năm trở lại đây. Tại sự kiện này, Chủ tịch Kim Jong Un đã được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên và học thuyết phát triển kinh tế song song với phát triển hạt nhân của ông này đã được chính thức phê chuẩn.

Thực tế về việc không có đại diện người Trung Quốc nào có mặt trong một sự kiện quan trọng như đại hội đảng ở Triều Tiên được xem là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy mối quan hệ ngày một rạn nứt giữa hai đồng minh truyền thống.

Tại đại hội đảng ở Triều Tiên lần gần đây nhất, vào năm 1980, một phái đoàn hùng hậu của Trung Quốc do ông Lý Tiên Niệm dẫn đầu đã đến tham dự. Ông Lý Tiên Niệm sau này là Chủ tịch nước của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng.

Tuy nhiên, quan hệ Trung-Triều kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền được cho là đã có nhiều dấu hiệu rạn nứt. Chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên cương vị mới là đến Hàn Quốc – đối thủ của Triều Tiên chứ không phải là Triều Tiên - nước luôn được Bắc Kinh hậu thuẫn mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị. Gần đây, giới phân tích đã không ít lần nói đến việc Bình Nhưỡng đang tìm cách rời xa dần Trung Quốc và Bắc Kinh cũng ngày càng tỏ ra khó chịu với một đồng minh lên xuống thất thường như Bình Nhưỡng.

Bắc Kinh đang rất tức giận đang mất kiên nhẫn trước đồng minh Triều Tiên khi chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un liên tục qua mặt họ để tiến hành các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa.

Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã thể hiện một lập trường cứng rắn với Triều Tiên khi nhiều lần lên tiếng cảnh báo đồng minh, đồng thời thẳng tay thông qua gói biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.

Không chỉ tức giận vì bị “qua mặt” liên tiếp, Bắc Kinh quay lưng với Bình Nhưỡng còn là vì những vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa dồn dập của Triều Tiên kể từ đầu năm đến giờ đã khiến Mỹ và Hàn Quốc có lý do triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD cũng như tên lửa Patriot đến khu vực, gây đe dọa cho chính Trung Quốc.

Tuy nhiên, với điện mừng mà Chủ tịch Tập Cận Bình gửi đến Bình Nhưỡng, có thể thấy rõ một thực tế rằng, Bắc Kinh không dám mạnh tay với Triều Tiên vì sợ đồng minh quan trọng của họ nổi giận.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc