Cử tri Hà Lan khiến EU lao đao, Ukraine tuyệt vọng

13:41, 11/04/2016
|

(VnMedia) - Các cử tri Hà Lan hôm 6/4 đã bỏ phiếu nói KHÔNG với thoả thuận hợp tác giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine trong một cuộc trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc nhưng thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận. Kết quả này không chỉ là đòn giáng choáng váng với EU, với Ukraine mà còn với cả chính phủ Hà Lan.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan là một đòn giáng với cả EU, Ukraine và cả chính phủ Hà Lan
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan là một đòn giáng với cả EU, Ukraine và cả chính phủ Hà Lan

Gần 2/3 trong số cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý (61%) đã bỏ phiếu chống lại thoả thuận hợp tác EU-Ukraine. Chỉ 38% cử tri bỏ phiếu ủng hộ thoả thuận này. Các cử tri đã được yêu cầu trả lời câu hỏi liệu họ có ủng hộ cho thoả thuận hợp tác giữa EU với Ukriane hay không. Thoả thuận này nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại giữa Liên minh Châu Âu với quốc gia Ukraine đang bất ổn, hỗn loạn vì cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Cuộc bỏ phiếu về thoả thuận hợp tác giữa EU và Ukraine được xem là phong vũ biểu đo mức độ chống EU ở Hà Lan nói riêng và trên khắp Châu Âu nói chung. Cần ít nhất 30% cử tri hợp pháp ở Hà Lan tham gia bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu dân ý này mới có giá trị. Kết quả cuối cùng được công bố cho thấy, có 32,1% cử tri Hà Lan đã bỏ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc trưng cầu dân ý hôm 6/4 là có giá trị và chính phủ liên minh của Thủ tướng Mark Rutte không thể không quan tâm đến kết quả cuộc bỏ phiếu đó.

EU: Đã khó lại càng thêm khó

Sự kiện cử tri Hà Lan thẳng thừng bác bỏ thoả thuận hợp tác giữa EU và Ukraine rõ ràng là một đòn giáng mạnh vào EU trong bối cảnh liên minh này đang ngập chìm trong những khó khăn khi phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ sau thế chiến II, phải đối mặt với thách thức cao độ từ chủ nghĩa khủng bố và phải đương đầu với một nền kinh tế mong manh. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Tư đã phơi bày một thực tế chua xót về việc người dân Châu Âu ngày càng cảm thấy bất an và phong trào chống EU ngày càng gia tăng, thậm chí ở ngay tại một trong những thành viên sáng lập ra liên minh như Hà Lan. Có vẻ như người dân Hà Lan đang thể hiện sự vỡ mộng với dự án Châu Âu mà họ từng chung tay dựng lên cùng với 5 thành viên sáng lập khác.

Cảm nhận của người dân Hà Lan về EU nói trên đang được chia sẻ bởi nhiều người dân khác ở khắp Châu Âu. Phe hoài nghi về Châu Âu đã nhanh chóng thể hiện sự vui mừng, hả hê trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan. Nhà lãnh đạo Đảng Tự do của Hà Lan theo đường lối cực hữu – ông Geert Wilders, đã miêu tả kết quả cuộc bỏ phiếu là “khởi đầu cho sự kết thúc của EU”. "Kết quả đó giống như là người dân Hà Lan nói KHÔNG với EU và nói KHÔNG với thoả thuận EU-Ukraine”, ông Wilders không giấu nổi sự vui mừng cho biết.

Tiếp lời ông Wilders, Lãnh đạo đảng Ukip cánh hữu của Anh – ông Nigel Farage, đã nói rằng, cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan dường như báo hiệu trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào tháng 6 ở Anh, theo đó người dân Anh sẽ bày tỏ quan điểm của họ về việc liệu nước này có nên rút ra khỏi EU hay không. Đảng Ukip là đảng phản đối mạnh mẽ EU.

Diễn biến trên cũng cho thấy sự đoàn kết trong nội bộ EU đang lung lay khi lực lượng hoài nghi, chống EU đang ngày một lớn dần lên và tiếng nói của họ bắt đầu có ảnh hưởng nhất định.

Việc người Hà Lan nói KHÔNG với thoả thuận hợp tác EU-Ukraine đã nối dài thêm cho những thất bại mà EU phải hứng chịu kể từ năm 2000 trong các cuộc trưng cầu dân ý ở Đan Mạch, Thuỵ Điển về việc gia nhập khu vực đồng tiền chung euro, và ở Ireland, Pháp và Hà Lan về việc phê chuẩn các hiệp ước mới cho phép EU có nhiều quyền lực hơn. Gần đây nhất, chính phủ Hà Lan cũng thất bại trong cuộc bỏ phiếu về việc tăng cường sự hợp tác trong EU về lĩnh vực cảnh sát và pháp lý.

Gần như mỗi lần một chính phủ thành viên của EU tham khảo ý kiến của cử tri về việc “Châu Âu hoá hơn nữa” thì họ đều nhận được câu trả lời KHÔNG. Điều này giống như một xu hướng nói KHÔNG với EU.

Vì thế, kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan được xem như lời cảnh báo về cuộc trưng cầu dân ý sắp tới ở Anh. Nếu cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rút nước này ra khỏi EU thì đây sẽ là một cơn địa chấn đối với Liên minh Châu Âu. Vậy những người ủng hộ EU có nên quá lo ngại về xu hướng này hay không.

Một số nhà phân tích tin rằng, kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan không nhất thiết có nghĩa là người dân Hà Lan phản đối dự án Châu Âu, phản đối mối quan hệ giữa Ukraine và EU mà trên thực tế nhiều cử tri đến tham gia cuộc bỏ phiếu như là cơ hội để họ thể hiện sự bất mãn đối với các chính sách hiện tại của chính phủ Hà Lan hay đối với nền kinh tế khó khăn, cuộc khủng hoảng nhập cư… mà EU đang phải đối mặt.

Số lượng cử tri tham gia cuộc trưng cầu cũng là một vấn đề cần quan tâm. Theo những cuộc thăm dò dư luận, 25% người dân Hà Lan có cái nhìn tiêu cực về EU trong khi 75% có cái nhìn tích cực hoặc trung lập. Tuy nhiên, cử tri Hà Lan có quan điểm ủng hộ EU lại ở nhà trong khi những cử tri phản đối EU lại có động lực để đi bỏ phiếu. Kịch bản ác mộng đối với chiến dịch vận động giữ Anh ở lại EU sẽ là: những cử tri ủng hộ EU không đủ quan tâm để tham gia bỏ phiếu và phe hoài nghi về EU sẽ thắng thế.

Đòn giáng cho chính phủ Hà Lan và Ukraine

Ảnh hưởng từ kết quả của cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan không chỉ dừng lại ở EU mà nó còn là đòn giáng trực tiếp vào chính quyền Hà Lan và Ukraine.

Chính phủ của Thủ tướng Rutte không khỏi cảm thấy khó xử khi người dân Hà Lan nói KHÔNG với thoả thuận EU-Ukraine khi mà Hà Lan đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU và khi mà tất cả các nước thành viên còn lại của Liên minh Châu Âu đã thông qua thoả thuận này.

Hà Lan hiện là nước duy nhất trong 28 nước thành viên không phê chuẩn thoả thuận hợp tác với Ukraine dù cả Thượng viện và Hạ viện Hà Lan đều đã thông qua.

Thủ tướng Rutte thừa nhận, phe nói KHÔNG với thoả thuận hợp tác EU-Ukraine đã chiến thắng một cách thuyết phục.

Nội các Hà Lan có thể phớt lờ kết quả cuộc trưng cầu dân ý về trên thực tế cuộc bỏ phiếu này không mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, một quyết định như vậy là hết sức nguy hiểm đối với chính phủ liên minh ở Hà Lan. Thủ tướng Rutte vốn đã làm mất lòng dân vì cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư. Nếu không thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý thì ông này có thể sẽ gặp nguy trong cuộc bầu cử quan trọng dự kiến diễn ra vào tháng Ba năm 2017. Đây là lý do mà Thủ tướng Rutte tuyên bố không thể phớt lờ kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 6/4.

Đối với Ukraine, cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan đã một lần nữa khiến Kiev phải thẳng thắn nhìn vào thực tế rằng việc họ theo đuổi ước mơ Châu Âu không hề đơn giản.

Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với thoả thuận hợp tác EU-Ukraine nhưng kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai bên. Thoả thuận này dù đã có hiệu lực và đã được thực thi từng phần nhưng việc ký kết cuối cùng sẽ còn phải mất thêm thời gian.

Phản ứng trước kết quả bỏ phiếu ở Hà Lan, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 7/4 đã tức giận cho rằng, việc cử tri Hà Lan phản đối thoả thuận hợp tác giữa EU và Kiev là “một cuộc tấn công vào sự đoàn kết của Châu Âu, một cuộc tấn công vào các giá trị của Châu Âu”.

Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố, kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hà Lan không mang tính ràng buộc và vì vậy nó không phải là cản trở đối với Ukraine trên con đường tiến lại gần EU bởi Kiev sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp nhằm hội nhập sâu hơn vào liên minh gồm 28 thành viên này.

Ukraine–EU đã ký kết thoả thuận hợp tác hồi tháng 3 năm 2014. Theo đó, hai bên sẽ dần thiết lập một mối quan hệ chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc. Một khu vực tự do thương mại sẽ được lập ra để đưa nền kinh tế của Ukraine hòa nhập vào nền kinh tế 17.000 tỉ USD với hơn 500 triệu người tiêu dùng của EU.

Việc Ukraine ký kết thoả thuận hợp tác với EU đã cho thấy quyết tâm rời xa nước láng giềng Nga của chính quyền Kiev bất chấp lịch sử gắn bó lâu dài giữa hai nước cũng như những mối dây gắn kết sâu sắc giữa người dân hai nước. Nó cũng cho thấy quyết tâm của Kiev trong việc tìm đến với EU.

Tuy nhiên, cánh cửa của EU không hoàn toàn rộng mở với Ukraine như Kiev mong đợi bao lâu nay. Ukraine được cho là sẽ phải mỏi mòn chờ đợi và gặp không ít chướng ngại vật để có thể được kết nạp chính thức vào gia đình EU.


Ý kiến bạn đọc