(VnMedia) - Cuối cùng, Ukraine đã có một thủ tướng mới thay thế cho vị chính khách gây thất vọng Arseniy Yatsenyuk. Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Groysman đã chính thức được bầu chọn vào vị trí “cầm cương” nội các mới của Ukraine. Sự kiện này được mong mỏi sẽ giúp Ukraine thoát khỏi mớ bòng bong gây rối loạn chính phủ trong nhiều tuần qua. Tuy nhiên, trên thực tế, giới phân tích tin rằng, triển vọng không hề lạc quan do chính phủ mới của Ukraien chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi.
Tân Thủ tướng Volodymyr Groysman |
Sự ra đi của vị Thủ tướng gây thất vọng
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã phải ra đi trong tư thế bẽ bàng khi phải chịu sức ép từ chức không chỉ từ người dân Ukraine mà từ cả giới lãnh đạo ở Kiev và thậm chí là từ cả những đồng minh từng sát cánh bên ông trong cuộc cách mạng Maidan.
Dù khi tuyên bố từ chức hồi cuối tuần trước, ông Yatsenyuk vẫn tin rằng, chính phủ của ông đạt được nhiều thành tựu hơn bất kỳ chính phủ nào trước đó và rằng những thành tựu này rồi sẽ được ghi nhận, đánh giá vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ Ukraine dưới sự dẫn dắt của ông Yatsenyuk đã gây thất vọng chưa từng có và bản thân ông Yatsenyuk đã biến mình trở thành vị chính khách gây thất vọng nhiều nhất trong cuộc cách mạng Maidan. Điều này có thể thấy rõ qua việc uy tín của Đảng Mặt trận Nhân dân của ông Yatsenyuk và của chính bản thân ông này đã tụt giảm thê thảm đến không ngờ, có lúc xuống mức gần con số 0. Cùng với đó, sức ép đòi ông Yatsenyuk từ chức tăng dần từng ngày.
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Yatsenyuk, tình hình đất nước Ukraine không hề sáng sửa lên nếu không nói là còn xấu đi. Nền kinh tế tiến ngày một gần tới bờ vực phá sản, sụp đổ; cuộc sống của người dân càng lúc càng khó khăn; nạn tham nhũng, quan liêu trong tầng lớp lãnh đạo tiếp tục làn tràn; mâu thuẫn xã hội càng ngày càng trở nên sâu sắc hơn... Bức tranh này hoàn toàn đối ngược với những gì mà người dân Ukraine mong mỏi, khát khao khi thực hiện cuộc cách mạng Maidan đẫm máu năm 2014.
Cái gì đến cũng phải đến, Thủ tướng Yatsenyuk cuối cùng cũng phải nhìn nhận rõ thực tế, và phải chấp nhận ra đi dù trước đó ông này đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và dù rằng ông vẫn khăng khăng nói về những thành tựu mà chính phủ của ông đạt được.
Bình mới rượu cũ
Hy vọng đã nhen lên sau sự ra đi của Thủ tướng Yatsenyuk bởi sự kiện này có thể mở cơ hội cho giới cầm quyền Kiev đưa Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng nội bộ khi mà đất nước vẫn còn đang chìm sâu trong mâu thuẫn, đối đầu xã hội và vô vàn những khó khăn khác.
Niềm hy vọng trên đã giúp một số chỉ số trên thị trường Ukraine nhích lên.
Bản thân Tổng thống Poroshenko cũng cảm thấy như được trút đi gánh nặng khi ông sẽ không còn phải lo lắng về việc phải tiến hành một cuộc bầu cử sớm mà ở đó đảng của ông có nguy cơ phải đối mặt với thất bại. Đáng lo ngại hơn, bầu cử sớm cũng có nghĩa là khoản cứu trợ tài chính của IMF mà Ukraine đang rất cần để phục hồi nền kinh tế sẽ bị trì hoãn lâu dài. Đây là viễn cảnh nguy hiểm đối với Kiev.
Tuy nhiên, hy vọng vừa lóe lên đã dập tắt khi tân Thủ tướng mới của Ukaine là ông Volodymyr Groysman. Ông Groysman được tin là một đồng minh thân thiết lâu năm của Tổng thống Petro Poroshenko. Tân Thủ tướng bị đánh giá là không có tính độc lập cao và phụ thuộc rất nhiều vào đồng minh Poroshenko. Ông này được cho là người luôn trung thành với Tổng thống Poroshenko, cả khi ở vị trí là Thống đốc của Vinnitsa hay khi là Chủ tịch Quốc hội.
Tân Thủ tướng Groysman cũng được cho là có chương trình kinh tế chẳng khác gì so với chính phủ tiền nhiệm của ông Yatsenyuk. Theo đó, ông này vẫn tập trung vào mục tiêu tăng cường nông nghiệp, xây dựng đường xá, chống tham nhũng và tăng cường hỗ trợ xã hội.
Viễn cảnh chống tham nhũng ở đất nước Ukraine – một trong những mục tiêu quan trọng nhất – cũng không hề sáng sủa. Lý do là bản thân ông Poroshenko trong suốt thời gian qua cũng chẳng làm được gì để thay đổi quốc nạn tham nhũng. Chính vì thế, nhiều người tỏ ra bi quan về khả năng ông Groysman có thể thực hiện được một chiến dịch tham nhũng mạnh tay và hiệu quả như người dân Ukraine mong muốn.
Không hy vọng về đột phá trong mục tiêu khôi phục nền kinh tế, không hy vọng về đột phá trong mục tiêu chống tham nhũng, chính phủ của tân Thủ tướng Groysman được tin là cũng giống như chính phủ tiền nhiệm và vì thế sự thay đổi mà Ukraine vừa đạt được chẳng qua chỉ là “bình mới rượu cũ mà thôi”. Như vậy, cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài dai dẳng mấy năm qua trên thực tế chưa tìm được “ánh sáng cuối đường hầm”.
Ý kiến bạn đọc