Bị "kề dao sát cổ", Trung Quốc hoảng hốt

11:49, 14/01/2016
|

(VnMedia) - Philippines dự kiến sẽ cho quân đội Mỹ sử dụng 8 căn cứ quân sự trên lãnh thổ của nước này sau khi tòa án tối cao Philippines ủng hộ một thỏa thuận an ninh mà Manila ký với Washington trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc.

Một cuộc tập trận chung giữa quân đội hai nước Mỹ và Philippines
Một cuộc tập trận chung giữa quân đội hai nước Mỹ và Philippines

Trong 8 căn cứ mà Philippines dành cho quân đội Mỹ có căn cứ không quân cũ US Clark và các căn cứ hải quân, không quân ở đảo tây nam Palawan. Đây là nơi đối diện với Biển Đông – điểm nóng gây ra những căng thẳng cao độ giữa Trung Quốc với nhiều nước..

Phát ngôn viên quân sự Philippines – Đại tá Restituto Padilla cho hay, các căn cứ mà họ đề xuất cho Mỹ sử dụng sẽ được dùng để cất giữ vũ khí và các nguồn hậu cần khác.

Cũng theo ông Padillad, đề xuất của Manila sẽ vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện sau khi Tòa án Tối cáo Philippines hôm 12/1 ra phán quyết ủng hộ thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm giữa hai nước Mỹ và Philippines.

Quyết định trên cho phép Manila và Washington thực thi đầy đủ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) được ký kết từ năm 2014 nhưng chưa được triển khai do có sự thách thức từ các nhóm phản đối sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Philippines. Philippines từng là thuộc địa của Mỹ từ năm 1898 đến 1946 và quân đội Mỹ từng đóng trên lãnh thổ Philippines trong nhiều năm. Đây là lý do khiến một số bộ phận người Philippines phản đối quân Mỹ quay trở lại nước họ. Tuy nhiên, cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến số người ủng hộ quân đội Mỹ quay trở lại nhiều hơn số phản đối..

Theo EDCA, sẽ có thêm nhiều binh lính Mỹ được triển khai trên cơ sở luân phiên đến Philippines để tiến hành các cuộc tập trận chung và giúp Manila xây dựng các cơ sở quân sự.

"Chúng tôi đã nối lại các cuộc đàm phán bởi chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận rằng EDCA là hợp pháp”, ông Padilla cho biết.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán và sẽ hoàn tất thỏa thuận hợp tác ở nhiều địa điểm”, ông Padilla cho hay nhưng không cung cấp thêm các thông tin cụ thể hơn.

Philippines từng là nơi có hai căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài cho đến năm 1992 khi Thượng viện Philippines bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng nói trên giữa hai nước. Quyết định của Thượng viện Philippines khi đó bị ảnh hưởng bởi phong trào chống Mỹ ở nước này.

Thỏa thuận mới không cho phép Mỹ thuê căn cứ như trước đây nhưng nó chứng tỏ một sự thay đổi bước ngoặt. Theo đó, Philippines hiện tại đang chống Trung Quốc và họ cần Mỹ trong cuộc đối đầu này.

Philippines đang có cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng với Trung Quốc vì tranh chấp ở Biển Đông. Khu vực biển này chứng kiến cuộc tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ của Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên, Philippines là nước thách thức Trung Quốc nhất.

Manila đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế sau khi hai nước xảy ra một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012 ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.

Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.

Philippines đang tìm kiếm mối quan hệ quốc phòng gắn bó hơn, thân thiết hơn với Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đàm phán EDCA nhằm giúp nước này tăng cường năng lực quân sự cũng như kéo Mỹ gần hơn về phía họ nhằm đối phó với nước láng giềng Trung Quốc.

Trung Quốc nổi cáu, chỉ trích thỏa thuận giữa Mỹ và Philippines

Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt việc Tòa án Tối cao Philippines ủng hộ thỏa thuận quân sự giữa nước này với Mỹ, miêu tả đó là một động thái “ngu ngốc” và cảnh báo hậu quả.

Trong bài xã luận với đầy những ngôn từ mạnh mẽ được đăng tải trên tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, số ra ngày hôm qua (13/1), tờ báo này đã nói rằng, thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Philippines sẽ “chỉ làm leo thang căng thẳng và gây phương hại đến hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực.

Manila "dường như đang quay sang nhờ Mỹ để ủng hộ cho tham vọng chống Trung Quốc của họ”, tờ Tân Hoa xã đã viết như vậy.

Trong khi đó, Washington ngay lập tức lên tiếng khen ngợi quyết định của tòa án tối cao Philippines, nói rằng thỏa thuận quốc phòng song phương sẽ giúp củng cố năng lực của hai nước trong việc phản ứng với các thảm họa và tăng cường sức mạnh cho quân đội Philippines.

Tân Hoa xã bác bỏ phát biểu trên, cảnh báo Manila sẽ phải “hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai vì hành động ngu ngốc của mình”.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.


Ý kiến bạn đọc