Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 23/12 đã nhất trí thông qua nghị quyết công nhận thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc giữa các đảng phái chính trị đối địch của Libya.
Hãng tin AFP cho biết LHQ đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các phe đối lập trong cuộc nội chiến ở Lybia.
Đại diện của Quốc hội được quốc tế công nhận và của Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) nắm tay sau khi ký thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột tại Libya. (Ảnh: AP) |
Nghị quyết của HĐBA hoan nghênh việc thành lập Hội đồng Tổng thống gồm 9 thành viên, đồng thời kêu gọi Hội đồng này phối hợp thành lập chính phủ trong vòng 30 ngày và hoàn thiện các kế hoạch an ninh cần thiết cho việc ổn định tình hình Libya.
Các nước phương Tây hi vọng giải pháp hòa bình này sẽ đem lại sự ổn định và giúp quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá này chống lại sự hiện diện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Các bên đối lập ở Lybia vẫn đang từ chối một giải pháp hòa bình cho quốc gia này. Lybia đã chìm sâu vào cuộc nội chiến suốt bốn năm qua giữa chính quyền tự xưng ở Tripoli và một tổ chức chính quyền được quốc tế thừa nhận ở miền đông.
Mỗi bên đều được các liên minh của các lực lượng nổi dậy và lực lượng dân quân trước đây của Lybia hậu thuẫn.
Đại sứ Lybia tại LHQ - Ibrahim Dabbashi cho biết trước mắt giới chức nước này không có kế hoạch kêu gọi phương Tây mở những cuộc không kích chống IS. Ông cũng bác bỏ thông tin nói rằng “giải pháp hòa bình này sẽ dẫn đến việc Lybia phải kêu gọi sự can thiệp quân sự của phương Tây”.
Ưu tiên hiện nay của Lybia là tăng cường năng lực an ninh của chính mình, thông qua các chương trình huấn luyện của phương Tây cũng như lệnh dỡ bỏ cấm cận vũ khí của LHQ. "Chưa ai nghĩ đến việc yêu cầu nước ngoài can thiệp vào tình hình Lybia. Chúng tôi sẵn sàng tự mình chống IS” - ông Dabbashi cho biết.
Song ông Dabbashi cũng nói rằng về sau có thể Lybia sẽ dần dần cần các nước phương Tây hỗ trợ từ trên không trong chiến dịch chống lại IS.
Giải pháp hòa bình ở Lybia do Anh soạn thảo đã đạt được sự nhất trí giữa các nước thành viên của HĐBA LHQ.
Giải pháp này đưa ra thông điệp rõ ràng rằng một chính phủ thống nhất trong tương lai của Lybia sẽ là đại diện duy nhất cho quốc gia Bắc Phi này.
Trước đó, ngày 17/12, tại Morocco, Quốc hội được quốc tế công nhận và Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) - cơ quan lập pháp cũ của Libya, đã ký một thỏa thuận do LHQ làm trung gian. Theo thỏa thuận này, các bên tham gia đối thoại về vấn đề Libya sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực và hỗn loạn chính trị trong nước.
Nghị quyết cũng công nhận Thông cáo Rome, một văn bản bày tỏ sự ủng hộ và xem chính phủ đoàn kết dân tộc là chính thể hợp pháp duy nhất tại Libya.
Trong bối cảnh Libya rơi vào tình trạng mất an ninh và hỗn loạn từ khi cựu Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011, quốc gia Bắc Phi này phải hứng chịu cuộc khủng hoảng chính trị với hai quốc hội và chính phủ tồn tại song song đấu tranh giành quyền hợp pháp.
Kể từ tháng 9-2014, LHQ liên tục tài trợ các phiên đối thoại giữa các đảng phái đối địch của Libya nhằm chấm dứt bất đồng chính trị tại quốc gia này.
Ý kiến bạn đọc