Ngày 23/12, nội các Nhật Bản thông qua kế hoạch chi tiêu quân sự cao kỷ lục, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn tới trong vùng biển khu vực.
Kế hoạch chi tiêu quân sự trị giá 5,1 nghìn tỉ yên (42,1 tỉ USD) là một phần trong ngân sách quốc gia 96,7 nghìn tỉ yên (800 tỉ USD) trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2015. Đây là mức chi quân sự cao kỷ lục từ trước tới nay. Toàn bộ gói chi tiêu này cần được quốc hội thông qua.
Nội các Nhật Bản cũng nhất trí ủng hộ mua máy bay giám sát không người lái có giá khủng của Mỹ và chiến đấu cơ F-35, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với Washington.
Đây là mức chi quân sự cao kỷ lục từ trước tới nay. Nếu được quốc hội thông qua, mức chi tiêu quân sự này tăng 1,5% so với năm ngoái, đánh dấu năm tăng thứ 4 liên tiếp trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe.
Hiện liên minh cầm quyền của ông Abe kiểm soát lưỡng viện quốc hội Nhật Bản nên cơ hội thông qua khá lớn. Đây cũng là mức đề xuất ngân sách quốc phòng đầu tiên kể từ khi Nhật Bản ban hành luật an ninh mới hồi tháng 9, cho phép tăng cường vai trò quân sự của nước này. Cũng trong năm nay, Nhật Bản sửa đổi hướng dẫn quốc phòng song phương với Mỹ nhằm mở rộng hợp tác giữa hai đồng minh.
Nhật Bản đang đẩy mạnh giám sát và bảo vệ các hòn đảo phía nam, nơi có tranh chấp với Trung Quốc. Kế hoạch ngân sách cũng bao gồm việc mua sắm khu trục hạm lớp Aegis tiên tiến, trang bị radar và có khả năng phòng thủ tên lửa, đóng tàu ngầm và phát triển thiết bị phát hiện tàu ngầm.
Ông Noboru Yamaguchi, một vị tướng về hưu của quân đội Nhật Bản và hiện là giáo sư tại trường ĐH Quốc tế Nhật Bản, cho biết kế hoạch chi tiêu quân sự nhấn mạnh đến tính di động, nói cách khác là tạo điều kiện để các đơn vị dễ dàng di chuyển các đơn vị từ đất liền đến các đảo phía Nam.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ khoản chi tiêu cao cho quân sự. Ông Shoichi Kondo, nghị sĩ của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập, cho biết điều này có thể gửi đi thông điệp sai lầm và châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang. “Chính phủ của ông Abe đã bị kích động bởi cảm giác sắp xảy ra khủng hoảng. Thực tế, sẽ tốt hơn nếu chi tiền nhiều hơn cho an sinh xã hội và giáo dục” - ông nói.
Ý kiến bạn đọc