(VnMedia) - Các chuyên gia Mỹ và Czech sẽ tiến hành một chuyến bay thanh sát trên bầu trời Nga trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở từ ngày 16 đến 21/11. Đó là thông tin vừa được người đứng đầu Trung tâm Cắt giảm Rủi ro Hạt nhân Quốc gia Nga - ông Sergei Ryzhkov đưa ra hôm nay (16/11).
“Từ ngày 16 đến 21/11, theo Hiệp ước Bầu trời Mở, một phái đoàn chung giữa Mỹ và CH Czech sẽ thực hiện một chuyến bay thanh sát trên không phận Nga trên máy bay do thám OC-135B của Mỹ từ sân bay Khabarovsk”, ông Ryzhkov cho hay.
Các chuyên gia của Nga cũng sẽ có mặt trên khoang máy bay để giám sát tình hình sử dụng thiết bị quân sự, đồng thời đảm bảo các thanh sát viên Mỹ và Czech tuân thủ hiệp ước Bầu Trời Mở. Không một loại vũ khí nào được có mặt trên khoang máy bay.
“Những chuyến bay giám sát được thực hiện nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các quốc gia thành viên tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở, và tăng cường an ninh thông qua những biện pháp đáng tin cậy”, ông Ryzhkov giải thích.
Hiệp ước Bầu trời Mở được đưa ra theo một sáng kiến của Tổng thổng Mỹ khi đó là George H.W.Bush. Hiệp ước là bản quy ước được 27 nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông qua ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan. Đến nay, đã có 34 nước thành viên tham gia hiệp ước này.
Mục đích của Hiệp ước là nhằm hỗ trợ tính công khai và minh bạch của hoạt động quân sự, giám sát việc tuân thủ các hiệp ước hiện hành trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, cũng như thắt chặt an ninh thông qua việc củng cố các biện pháp tin cậy.
Hiệp ước trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, cho phép các quốc gia thành viên thực hiện những chuyến bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau (bao gồm cả đất liền, đảo và các vùng lãnh hải).
Ý kiến bạn đọc