(VnMedia) - Chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria đang được tiến hành với sự góp mặt của nhiều loại chiến đấu cơ được đánh giá là hiện đại và đình đám nhất thế giới, trong đó chủ yếu là chiến đấu cơ của Nga và Mỹ.
Sau đây là danh sách 5 chiến đấu cơ tối tân nhất thế giới đang xung trận ở chiến trường Syria theo thống kê của tạp chí National Interests.
Lockheed Martin F-22 của Mỹ
F-22 được mệnh danh là chiến đấu cơ của thế kỷ và là "mãnh cầm" của Không lực Mỹ.
Đây là loại máy bay do Hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Nó luôn đứng trong danh sách những loại chiến đấu cơ tối tân nhất và cũng là loại chiến đấu cơ có giá đắt nhất thế giới, lên tới 130 triệu USD/1 chiếc.
F-22 là dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 duy nhất trên thế giới đã được đưa vào hoạt động đến thời điểm này. F-22 cũng là thứ vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Mỹ.
F-22 được trang bị các phương tiện tấn công mặt đất, tác chiến điện tử và trinh sát vô tuyến. Dòng máy bay này sử dụng kỹ thuật tàng hình thế hệ thứ tư.
Mặc dù không trực tiếp tham gia vào các cuộc không chiến tại Syria, nhưng F-22 đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến dịch này.
Boeing EA-18G Growler của Mỹ
Được nâng cấp từ siêu chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet, EA-18G Growler là chiến đấu cơ điện tử chuyên dụng được thiết kế để gây nhiễu hệ thống radar và thông tin liên lạc của kẻ thù. Đây là đặc điểm vượt trội của Growler do có hệ thống cảm biến mạnh bao gồm các thiết bị thu băng tần rộng ALQ-218 và đạn gây nhiễu ALQ-99.
EA-18G Growler không chỉ bảo vệ được các máy bay khác mà còn hỗ trợ tác chiến điện tử cho các lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh bằng cách gây nhiễu thông tin liên lạc hoặc thậm chí là ném bom không kích.
Ngoài hệ thống tác chiến điện tử, EA-18G Growler còn được trang bị các tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM để chống lại các mối đe dọa từ trên không.
Ngoài ra còn máy bay còn trang bị tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM để chế áp, tiêu diệt radar và các hệ thống tên lửa phòng không đối phương. Lắp hệ thống quang điện tử AN/ASQ-228 ATFLIR để chỉ thị mục tiêu được phát hiện và phối hợp tấn công với các máy bay Hornet khác.
Sukhoi Su-34 Fullback của Nga
Máy bay ném bom Su-34 Fullback là loại chiến đấu cơ đánh chặn tối tân nhất của Nga. Nó đã tới sân bay Latakia ở Syria để tham gia chiến dịch không kích chống IS từ khi Nga mới bắt đầu triển khai chiến dịch này.
Nó được thiết kế để thay thế chiến đấu cơ tấn công Su-24 Fencer đã già cỗi của phi đội chiến đấu cơ Nga.
Su-34 có khả năng phòng thủ không đối không mạnh. Nó được trang bị tên lửa đối không tầm ngắn R-73, và tên lửa đối không tầm xa R-77 dẫn đường bằng radar.
Điều này đồng nghĩa với việc Su-34 gần như tương đương với chiến đấu cơ Boeing F-15e Strike Eagle của phương Tây. Dòng chiến đấu cơ Fullback có khả năng thực hiện các sứ mệnh không kích tự hộ tống.
Su-34 có bán kính tác chiến gần 700 dặm với nhiên liệu bên trong, nhưng nó cũng được thiết kế để có thể được tiếp nhiên liệu trên không.
Hệ thống cảm biến cốt lõi của dòng Fullback là radar quét điện tử thụ động Leninets B-004. Hệ thống này sử dụng công nghệ radar mạng anten tương tự như các phiên bản Flanker khác, tuy nhiên được thiết kế phù hợp nhất cho các chiến dịch không kích các mục tiêu mặt đất.
Chiến đấu cơ này được đánh giá là đã hoạt động hiệu quả tại chiến trường Syria.
Sukhoi Su-30SM Flanker-H của Nga
Được thiết kế là một chiến đấu cơ đa dụng, hoàn thiện cho chiến đấu cơ Su-35S Flanker-E, Su-30SM ban đầu được sử dụng như chiến đấu cơ không đối không tại Syria để hộ tống cho các máy bay không kích của Nga.
Tuy nhiên Su-30SM được trang bị khả năng không kích các mục tiêu mặt đất do được nâng cấp từ phiên bản Su-30MKI Flanker được thiết kế cho Ấn Độ.
Su-30SM được trang bị radar mạng anten quét thụ động Bars-R, phiên bản radar cải tiến từ radar Bars của dòng chiến đấu cơ MKI của Ấn Độ.
Mặc dù hiện chiến đấu cơ này đang được sử dụng dưới vai trò chiến đấu cơ giám sát trên không, nhưng Su-30SM vẫn giữ nguyên năng lực không kích và thậm chí còn đang được sử dụng như một siêu chiến đấu cơ cường kích.
Dassault Rafale của Pháp
Dassault Rafale là một máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ cánh tam giác hai động cơ rất nhanh nhẹn của Pháp. Nó được trang bị nhiều loại vũ khí và có thể mang trên 8000 kg vũ khí. Mỗi chiếc Dassault có giá rất cao 95 triệu Euro, tương đương gần 27 tỷ đồng.
Rafale đang được chế tạo để sử dụng cho cả các căn cứ trên mặt đất của Không quân Pháp và trên tàu sân bay của Hải quân Pháp.
Dassault Rafale của Pháp là một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất hoạt động ở Syria và Iraq. Được phát triển trong những năm 1980 để thay thế cho các chiến đấu cơ Mirage 2000, Rafale được biên chế cho không quân và hải quân Pháp.
Rafale cũng được trang bị một hệ thống tác chiến điện tử tối ưu là SPECTRA. Hệ thống này có khả năng tái lập trình rất hiệu quả, thậm chí có thể đối phó với một số phiên bản xuất khẩu S-300 (đơn vị riêng lẻ, không phải hệ thống tích hợp các S-300).
Đan Khanh (theo RIA)
Ý kiến bạn đọc