(VnMedia) - Nga đang thực hiện các bước đi để sớm bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 và một số thiết bị vô tuyến điện tử khác cho Iran. Ngoài ra, Nga còn đang đàm phán để tiếp tục thúc đẩy hợp tác về kỹ thuật quân sự với Iran. Đó là thông tin vừa được Tổng Giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga - ông Anatoly Isaykin đưa ra hôm qua (2/11).
“Danh sách vũ khí bị cấm bàn giao cho Iran không áp dụng đối với một số loại vũ khí, trong đó có các hệ thống phòng không và nhiều loại thiết bị vô tuyến điện tử. Liên bang Nga, thông qua tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, sẽ duy trì các hợp đồng trong những lĩnh vực này và sẽ bàn giao chính xác các loại vũ khí đó cho Iran”, ông Isaykin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24.
Hệ thống tên lửa S-300 |
Năm 2007, Nga và Iran ký một hợp đồng cung cấp một số thiết bị liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Nhưng đầu năm 2010, chính phủ Moscow đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu, kết hợp một số biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran, do nước này tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Sau động thái trên của Nga, Iran đã đâm đơn kiện tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Rosoboronexport của Nga lên Tòa án Hòa giải và Trọng tài của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tại Geneva.
Ngày 13/4/2014, Nga quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận, và xúc tiến quá trình bán hệ thống S-300 cho Tehran, sau khi cuộc đàm phán tại Geneva giữa Iran và nhóm P5-1 đạt được một số thỏa thuận nhất định.
Giải thích cho hành động của mình, Moscow cho biết, những tiến bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) khiến Nga không cần thiết phải cấm xuất khẩu tên lửa đất đối không cho Iran. Iran ca ngợi quyết định của Nga là một bước tiến lớn để duy trì an ninh lâu dài tại khu vực Trung Đông đang đầy rẫy các cuộc xung đột. Tuy nhiên, quyết định của Nga đã vấp phải sự lên án không chỉ của Mỹ mà cả Israel.
“Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với Nga trong việc rút đơn kiện vụ S-300, sau khi Nga từ chối bàn giao hệ thống này đúng hẹn”, Thứ trưởng Ngoại giao Iran nói.
Một nguồn tin thân cận hồi giữa tháng 6 vừa qua cho biết, Nga và Iran đang đàm phán về việc khôi phục lại hợp đồng S-300. Theo nguồn tin, Nga đã yêu cầu phía Iran phải rút lại đơn kiện và đề xuất hai bên sẽ ký kết một thỏa thuận mới thay thế.
Ông cho biết, các điều khoản sửa đổi của hợp đồng, các mức giá mới sẽ được thiết lập và hai bên sẽ thảo luận về cơ chế bãi bỏ đơn kiện Nga của phía Iran.
Tên lửa S-300 của Nga được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và sở hữu.. Hiện có khá nhiều quốc gia trên thế giới sở hữu hệ thống S-300 của Nga, chủ yếu là ở Đông Âu và châu Á, trong đó có Ukraine, Hy Lạp, Syria, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… Theo Wikipedia, ngay cả Mỹ cũng đã từng mua một hệ thống S-300V của Nga năm 1993 để đánh giá, áp dụng công nghệ để nâng cấp các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi. S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.
Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
S-300 khởi thủy được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù.
Khi lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa mà nhiều nước thèm muốn có được để bảo vệ cho vùng trời lãnh thổ của họ.
S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.
Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.
Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt thời gian sử dụng.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc